“ Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác” (Điều 405 BLDS).
Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là cơ sở pháp lý để xác định thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Bên có quyền được phép yêu cầu bên có nghĩa vụ thi hành nghĩa vụ trong hợp đồng, và được hưởng mọi quyền lợi hợp pháp phát sinh từ hợp đồng. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng, và phải chịu trách nhiệm dân sự trước bên có quyền về việc vi phạm hợp đồng.
Kể từ thời điểm này, các bên không thể tự ý rút lại, sửa đổi, hủy bỏ cam kết trong hợp đồng và hợp đồng có hiệu lực ràng buộc các bên giống như pháp luật.
I. THỜI ĐIỂM HỢP ĐỒNG CÓ HIỆU LỰC THEO QUI ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT:
1. Hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, thuê lại quyền sử dụng đất; hợp đồng hoặc văn bản tặng cho quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
2. Hợp đồng mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại có hiệu lực kể từ thời điểm công chứng, chứng thực.
3. Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố.
4. Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, tàu bay, tàu biển có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thế chấp.
5. Hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao chỉ có hiệu lực sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ.
6. Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 của Luật SHTT 2005, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
II.THỜI ĐIỂM HỢP ĐỒNG CÓ HIỆU LỰC KỂ TỪ THỜI ĐIỂM GIAO KẾT:
1. Hợp đồng được thỏa thuận trực tiếp bằng lời thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận của bên được đề nghị.
2. Nếu hợp đồng giao kết bằng văn bản thì thời điểm giao kết là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản.
3. Nếu hợp đồng giao kết bằng thư tín, qua bưu điện thì hợp đồng được giao kết vào ngày bên đề nghị nhận được thư trả lời chấp nhận hợp lệ.
4. Nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có qui định im lặng là đồng ý giao kết hợp đồng, thì hợp đồng được xem là đã giao kết tại thời điểm hết thời hạn trả lời mà bên được đề nghị vẫn im lặng.
5. Nếu hợp đồng giao kết bằng phương tiện điện tử thì việc giao kết còn phải tuân theo các qui định đặc thù của pháp luật về giao dịch điện tử.
III. THỜI ĐIỂM HỢP ĐỒNG CÓ HIỆU LỰC THEO THỎA THUẬN:
Về nguyên tắc, hợp đồng có hiệu lực tại thời điểm giao kết, nhưng các bên có thể thỏa thuận hợp đồng phát sinh hiệu lực tại một thời điểm khác. Qui định này dựa trên cơ sở nguyên tắc tự do hợp đồng. Vì các bên có quyền tự do thỏa thuận nội dung hợp đồng, nên cũng có quyền tự do lựa chọn thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Tất nhiên, các bên có thể thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng khác với qui định của pháp luật, nhưng không được trái pháp luật hoặc trái với bản chất của hợp đồng.
Mọi thắc mắc quý khách hàng vui lòng liên hệ để được giải đáp chi tiết.
Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn, hỗ trợ
Hotline: 093.677.8880 gặp Mr.Hiệp hoặc 0911.173.322 gặp Ms.Thương
Email: lienhe@gmail.com