Đề nghị báo giá: 093.6778.880 - 0911.173.322 - lienhe@luat7s.com

PHÂN CHIA TÀI SẢN KHI LY HÔN: NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

Phân chia tài sản sau ly hôn là quá trình giải quyết việc ly hôn tại Tòa án hoặc thông qua các thỏa thuận giữa vợ chồng với nhau về vấn đề chia tài sản. Hai bên vợ chồng có thể tự thoả thuận với nhau về vấn đề phân chia tài sản hoặc nếu trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được với nhau dẫn đến tranh chấp phân chia tài sản sau khi ly hôn, khi đó một bên vợ chồng có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án để phân chia tài sản chung.

Trong bài viết này chúng ta sẽ tập trung vào phân tích các vấn đề liên quan đến việc phân chia tài sản khi ly hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam và những điều cần lưu ý khi phân chia tài sản trong ly hôn. Mục tiêu của bài viết giúp độc giả có cái nhìn rõ hơn về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc giải quyết vấn đề chia tài sản khi ly hôn. Bài viết giúp độc giả hiểu rõ hơn về quá trình và nguyên tắc pháp lý được áp dụng trong trường hợp này.

  1. Quy Định Pháp Lý về Tài Sản Chung và Riêng

Trước tiên cần phải hiểu tài sản chung và tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân là gì? Theo pháp luật Việt Nam, quy định tại khoản 1, Điều 33 Bộ Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”

Tài sản riêng của vợ chồng được xác định theo quy định tại Điều 43 Bộ luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cụ thể: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

          – Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

Như vậy tài sản riêng của mỗi bên là những tài sản mà họ đã có trước khi kết hôn hoặc những tài sản mà họ được thừa kế, nhận tặng hoặc mua bằng tiền mà họ đã có trước khi kết hôn.

Cách xác định tài sản chung của vợ chồng

Theo quy định tại Điều 33,  Bộ Luật hôn nhân gia đình năm 2014, cụ thể tài sản chung bao gồm:

+ Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân.

+ Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

+ Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

+ Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

+ Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Cách xác định tài sản riêng của vợ chồng

Tài sản riêng của vợ chồng được bao gồm các tài sản:

+ Tải sản mà mỗi người có trước khi kết hôn: Căn cứ vào ngày đăng ký kết hôn nếu tài sản đó có trước ngày đó thì về nguyên tắc nó là tài sản riêng của bên đứng tên quyền sở hữu tài sản đó.

+ Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân: Căn cứ vào hình thức được thừa kế riêng, tặng cho riêng để xác định tài sản riêng.

+ Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng (theo các điều 38, 39 và 40 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014).

+ Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và các tài sản khác theo quy định của pháp luật.

+ Hoa lợi, lợi tích hình thành từ tài sản riêng của ai là tài sản riêng người đó.

  1. Quy Trình Định Giá Tài Sản

Trong quá trình phân chia tài sản cho ly hôn, hai vợ chồng được quyền tự xác định giá trị tài sản chung, tự thỏa thuận về giá trị các tài sản đó. Nếu không tự thỏa thuận giá trị tài sản chung, hai bên có thể lựa chọn thẩm định giá tài sản rồi cung cấp Chứng thư thẩm định giá đó cho Tòa án. Quy trình thẩm định giá tài sản khi ly hôn được thực hiện tuân theo các quy trình Thẩm định giá Việt Nam. Nhìn chung quy trình định giá tài sản gồm các bước sau:

  • – Bước 1: Phân loại tài sản, thu thập hồ sơ pháp lý tài sản
  • – Bước 2: Xác định nhu cầu định giá
  • – Bước 3: Khảo sát thực tế, thu thập thông tin thị trường
  • – Bước 4: Xây dựng báo cáo thẩm định giá
  • – Bước 5: Kiểm soát và phát hành

Và để thẩm định được giá tài sản cần phải phân chia thì cần phải có chuyên gia định giá tài sản và không thể phủ nhận vai trò của chuyên gia định giá,  trong quá trình định giá sự có mặt của chuyên gia định giá là rất quan trọng và có đóng góp vào việc giải quyết tranh chấp và đảm bảo sự công bằng và minh bạch.

Về vấn đề phân chia tài sản chung:

Theo đó, về vấn đề chia tài sản sẽ được phân chia theo các nguyên tắc quy định tại điều 59, Bộ Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 bao gồm:

+ Nguyên tắc chia đôi: Có thể hiểu rằng nguyên tắc chia đôi là hai bên được hưởng một nửa giá trị tài sản đã tạo lập được trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, thẩm phán sẽ xét đến các yếu tố khác như: Hoàn cảnh riêng của mỗi bên, công sức đóng góp, bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập, lỗi của các bên vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Có nghĩa là không áp dụng một cách cứng nhắc việc chia đôi giá trị tài sản mà có thể hiểu là việc chia đôi có thể là: 40:60 hoặc thậm chí 70:30, 80:20, dựa trên các yếu tố ảnh hưởng tới việc phân chia trong từng trường hợp cụ thể.

+ Nguyên tắc chia tài sản chung bằng hiện vật (Không chia được bằng hiện vật mới chia bằng giá trị  có thanh toán phần chênh lệch giá trị). Nguyên tắc này khá dễ hiểu và pháp luật ưu tiên chia bằng hiện vật trước, không chia được bằng hiện vật thì mới định giá thành tiền để chia, bên nhận hiện vật có giá trị thanh toán lại cho bên kia bằng số tiền chênh lệch.

+ Nguyên tắc tài sản riêng của ai thuộc sở hữu của người đó (trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung). Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung thì bên không nhận tài sản sẽ được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó.

III. Xử lý nợ nần khi ly hôn

Trong quan hệ hôn nhân việc đăng ký kết hôn làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, trong đó bao gồm nghĩa vụ đối với các khoản nợ. Và quá trình phân chia tài sản sau ly hôn, vấn đề nợ chung, nợ riêng của vợ chồng thường là một trong những điểm quan trọng cần được xem xét và giải quyết.

Nợ chung là những khoản nợ phát sinh từ giao dịch của vợ chồng hoặc những khoản nợ đứng tên một trong hai bên vợ hoặc chồng sử dụng vì mục đích chung cho gia đình, con cái.

– Ngược lại, nợ riêng được xác định là những khoản nợ không phát sinh từ giao dịch của vợ chồng và không được sử dụng vào mục đích chung cho gia đình, con cái.

Trách nhiệm trả nợ khi ly hôn:

Theo quy định hiện hành, thì các khoản nợ chung mà vợ chồng phải cùng nhau chia sẻ nghĩa vụ trả nợ được ghi nhận tại Điều 37,  Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể:

“1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

  1. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
  2. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
  3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
  4. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
  5. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”

Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình cũng khẳng định: Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại điều 37 nêu trên.

Đồng thời, vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các Điều 24, 25 và 26 của Luật Hôn nhân và gia đình (đại diện giữa vợ, chồng trong quan hệ kinh doanh…), điều này có nghĩa rằng mặc dù đã ly hôn thì vợ chồng vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ chung, trả nợ chung. Hai bên có thể tự thoả thuận với nhau về trách nhiệm trả nợ. Hoặc trong trường hợp không thoả thuận được phương án trả nợ thì hai bên có thể nộp đơn yêu cầu Toà án giải quyết, Toà án sẽ phân chia nghĩa vụ trả nợ giữa hai bên.

  1. I Thỏa Thuận Phân Chia Tài Sản

Phân chia tài sản khi ly hôn thường ưu tiên việc hai bên vợ chồng đồng ý với nhau về việc thoả thuận phân chia tài sản. Điều này giúp giảm bớt mâu thuẫn và chi phí pháp lý, cũng như tạo điều kiện cho sự hòa thuận giữa hai bên trong quá trình ly hôn.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 59 Bộ Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “ Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó. Thoả thuận chia tài sản khi ly hôn đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tài sản và khoản nợ sẽ được chia sẻ giữa hai bên, giúp giảm tranh chấp trong quá trình ly hôn.

Trong trường hợp nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 59 và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 để giải quyết.

Qua bài phân tích trên, chúng ta đã đề cập đến những vấn đề pháp lí cơ bản, cốt lõi và cần thiết cho việc phân chia tài sản khi ly hôn. Để đảm bảo được sự công bằng, bảo vệ được những quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của vợ chồng khi phân chia tài sản đọc giả cần chú ý một số vấn đề như: cần phải nẳm rõ quy định của pháp luật về tài sản chung và tải sản riêng của vợ và chồng; những cách xác định tài sản chung của vợ và chồng trong thời kì hôn nhân và vấn đề phân chia tài sản chung, xử lí nợ nần và thỏa thuận phân chia tài sản. Phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn là một vấn đề khó khăn, phức tạp và còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng, hủy bỏ các trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm của hôn nhân và các ràng buộc dân sự khác. Ly hôn có thể là giải thoát cho cha mẹ nhưng lại rất dễ trở thành bi kịch, nỗi bất hạnh của những đứa con. Như vậy, quan trọng nhất là mọi quyết định về ly hôn nên được đưa ra sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và thực hiện một cách có trách nhiệm, đặc biệt là nếu có con cái trong hôn nhân. Cả hai bên nên cố gắng giữ mối quan hệ tôn trọng và hòa thuận trong quá trình ly hôn để giảm thiểu những tổn thương và hậu quả đến tối thiểu có thể.

Đọc thêm

HN: 093.6778.880
HCM: 0911.173.322