Đề nghị báo giá: 093.6778.880 - 0911.173.322 - lienhe@luat7s.com

CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN LY HÔN

TÁI HÔN: LY HÔN RỒI CÓ KẾT HÔN LẠI VỚI NHAU ĐƯỢC KHÔNG?

Căn cứ pháp lý:

– Bộ Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;

– Luật Hộ tịch;

– Nghị định 123/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch;

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 9 Bộ Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

“2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.” Như vậy có thể hiểu là:

Nếu như hai vợ chồng đã ly hôn mà muốn kết hôn lại với nhau sẽ được kết hôn lại với nhau trong trường hợp cả hai chưa có đăng ký kết hôn với người khác, đã đăng ký kết hôn với người khác nhưng đã ly hôn và hai người đang trong tình trạng độc thân thì có thể kết hôn lại với nhau.

Trường hợp cả hai đã có gia đình mới,đăng ký kết hôn mới thì không thể kết hôn lại được.

Như vậy, sau khi quan hệ vợ chồng chấm dứt nếu muốn khôi phục lại quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý thì phải tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn để đảm bảo quyền lợi của cả hai về sau. Nếu không được đăng ký theo quy định thì sẽ không có giá trị pháp lý.

Vợ chồng đã ly hôn mà muốn tái hôn lại với nhau thì khi đăng ký kết hôn cần những giấy tờ gì?

Căn cứ theo Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về giấy tờ nộp và xuất trình khi đăng ký kết hôn như sau:

“Điều 10. Giấy tờ nộp và xuất trình khi đăng ký kết hôn

Người yêu cầu đăng ký kết hôn xuất trình giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này, nộp giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 của Luật Hộ tịch khi đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch khi đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện và nộp bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định sau:

  1. Trường hợp đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà người yêu cầu đăng ký kết hôn không thường trú tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký kết hôn thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp theo quy định tại các Điều 21, 22 và 23 của Nghị định này.

Trường hợp đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện thì người yêu cầu đăng ký kết hôn đang cư trú ở trong nước phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp theo quy định tại các Điều 21, 22 và 23 của Nghị định này.

  1. Trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn đang công tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện) cấp.”

Và để được cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì cần thực hiện theo thủ tục tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:

“Điều 22. Thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

  1. Người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nộp Tờ khai theo mẫu quy định. Trường hợp yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nhằm mục đích kết hôn thì người yêu cầu phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
  2. Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã có vợ hoặc chồng nhưng đã ly hôn hoặc người vợ hoặc chồng đã chết thì phải xuất trình hoặc nộp giấy tờ hợp lệ để chứng minh; nếu thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 37 của Nghị định này thì nộp bản sao trích lục hộ tịch tương ứng.”

Như vậy hồ sơ tái hôn cũng giống như hồ sơ đăng ký kết hôn lần đầu bởi tái hôn cũng đồng nghĩa với việc đăng ký kết hôn từ đầu.


CÓ THỂ LY HÔN KHI CHỒNG GẶP VẤN ĐỀ TÂM THẦN?

Căn cứ pháp lý:

– Bộ Luật Dân sự năm 2015;

– Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015;

– Bộ Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;

Thủ tục đề nghị Tòa án tuyên một người mất năng lực hành vi dân sự.:

Pháp luật không có quy định việc cấm ly hôn đối với người bị bệnh tâm thần, nên trường hợp này người vợ có quyền yêu cầu ly hôn người chồng. Tuy nhiên, để ly hôn người chồng bị bệnh tâm thần (mất năng lực hành vi dân sự) thì theo khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự”.

Và khoản 1 Điều 376 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật dân sự.

Căn cứ các quy định nêu trên, người vợ có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố người chồng bị mất năng lực hành vi dân sự và sau khi có kết luận của cơ quan chuyên môn và các chứng cứ khác để chứng minh người chồng đã bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì Tòa án sẽ ra quyết định tuyên bố người chồng đã mất năng lực hành vi dân sự.

Căn cứ khoản 3 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

“3. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.

Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn.”

– Theo quy định trên, trong trường hợp chồng mắc bệnh tâm thần (đã được Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự) mà vợ có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác làm đại diện cho người mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết ly hôn. Dựa theo Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự, cụ thể:

– Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:

– Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ; nhưng đây là vụ án yêu cầu ly hôn đơn phương từ người vợ vậy nên lợi ích sẽ bị mẫu thuẫn và Toà án sẽ chỉ định người khác làm đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự.

– Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ;

– Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.”

Nếu không thuộc các trường hợp nêu trên thì Tòa án sẽ chỉ định người khác làm đại diện cho người chồng bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn.

Thủ tục đơn phương ly hôn với người chồng bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

Hồ sơ ly hôn nộp cho Tòa án bao gồm:

Đơn xin ly hôn (theo mẫu)

+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

+ Chứng minh nhân dân và hộ khẩu của các bên (bản sao chứng thực);

+ Quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự;

+ Giấy khai sinh của các con (bản sao chứng thực);

+ Giấy tờ chứng minh về tài sản (bản sao chứng thực) (nếu có yêu cầu).

Sau đó nộp lên Tòa án nhân dân quận/huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc. Khi hoàn thành đầy đủ các trình tự các trình tự trên, Tòa án giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung.

Sau khi nộp đơn thì khoảng 5 ngày, Tòa án sẽ mời người vợ lên để nộp án phí. Sau khi nộp án phí thì 15 ngày sau Tòa án sẽ gọi vợ và người được chỉ định giám hộ lên để tham dự phiên hòa giải. Thủ tục hòa giải sẽ diễn ra ít nhất là 3 lần và khoảng 15 ngày Tòa sẽ gọi 1 lần. Tiếp theo khoảng 15 ngày Tòa sẽ mở phiên Tòa xét xử và ra quyết định ly hôn. Tổng thời gian giải quyết đối với trường hợp ly hôn đơn phương sẽ khoảng 4 đến 6 tháng.

– Như vậy đối với người bị tâm thần mà bên còn lại muốn ly hôn cần phải làm hai bước là tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự và sau đó giải quyết ly hôn theo thủ tục chung.


KHI LY HÔN MỘT TRONG HAI BÊN VỢ HOẶC CHỒNG KHÔNG RA TOÀ ĐƯỢC KHÔNG?

Căn cứ pháp lý:

– Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015;

– Bộ Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

          Ly hôn là gì? Căn cứ theo khoản 14 Điều 3 Bộ Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 giải thích thì ly hôn là: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Và Ly hôn có hai trường hợp là thuận tình ly hôn và ly hôn theo yêu cầu của một bên.

Trong trường hợp một bên vắng mặt thì Tòa án có giải quyết ly hôn không?

– Trường hợp Thuận tình ly hôn:

Căn cứ theo Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn như sau:

Điều 397. Hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn

  1. Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, trước khi tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án.
  2. Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
  3. Trường hợp sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ.”

Theo đó, để công nhận thuận tình ly hôn thì bắt buộc thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, nếu muốn hòa giải thì phải có sự có mặt của hai bên. Bởi vậy, nếu thuận tình ly hôn thì bắt buộc phải có mặt của cả hai người.

Như vậy, nếu một bên vắng mặt thì Tòa án không giải quyết ly hôn trong trường hợp thuận tình ly hôn.

Trường hợp thứ hai là: Ly hôn theo yêu cầu của một bên;

Trong trường hợp một trong hai bên không ký vào đơn ly hôn thì thủ tục pháp lý vẫn có thể tiến hành. Trong trường hợp này, nếu hồ sơ ly hôn của một trong hai bên vợ chồng nộp ra Toà miễn là các điều kiện và quy trình được tuân thủ theo đúng trình tự, đúng thủ tục và đầy đủ theo yêu cầu của pháp luật. Tuy nhiên, nếu vợ hoặc chồng không ra toà để giải quyết các vấn đề liên quan thì các bên có thể bị mất các quyền lợi của mình.

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án cũng tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án trừ những trường hợp không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được theo quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Nếu vợ hoặc chồng vắng mặt trong giai đoạn này thì sẽ không tiến hành hòa giải (Điều 205 và Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

Sau quá trình chuẩn bị, Tòa án sẽ tiến hành mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án. Trong quá trình này, nếu:

– Vợ hoặc chồng hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ vắng mặt lần thứ nhất mà không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa; vắng mặt lần thứ hai vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa.

– Tòa án triệu tập lần thứ hai mà vợ hoặc chồng hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan xử lý như sau:

+ Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;

+ Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

+ Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật.

Nếu một trong hai bên vắng mặt không ra Toà khi một bên đã nộp đơn ly hôn đơn phương, có thể bị mất một số quyền lợi như:

  • – Trong trường hợp một trong hai bên vẫn còn tình cảm với nhau và tin rằng mối quan hệ hôn nhân này có thể cứu vãn được, nhưng không ra toà để chứng minh điều này, Toà án có thể vẫn tiến hành giải quyết đơn ly hôn.
  • – Nếu một trong hai bên yêu cầu giành quyền nuôi con hoặc giải quyết vấn đề về tài sản chung, nợ chung, nợ riêng mà vợ hoặc chồng không tham gia, Toà án có thể quyết định tiến hành xét xử mà không có sự tham gia của một trong hai, làm mất đi quyền lợi hợp pháp của vợ hoặc chồng. Như vậy một trong hai bên vợ chồng phải ra Toà để chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của mình như: Chứng minh mình có quyền, khả năng nuôi con, chứng minh trong tài sản chung, mình có đóng góp nhiều hơn hoặc nợ riêng đó là do bên kia xác lập và chia tài sản chung như thế nào.

Khi ra Toà hai bên ra toà được quyền sao chụp lại tài liệu chứng cứ của bên kia cung cấp cho Toà, nếu có chỗ nào hai bên vợ hoặc chồng không hiểu thì có thể gửi cho luật sư của mình để luật sư tư vấn và hướng dẫn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nhất cho cả hai. Như vậy, nếu đơn phương ly hôn mà vợ hoặc chồng vắng mặt thì vẫn có thể ly hôn được.

Đọc thêm

HN: 093.6778.880
HCM: 0911.173.322