Đề nghị báo giá: 093.6778.880 - 0911.173.322 - lienhe@luat7s.com

TÌNH HÌNH ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP THÁNG 4 VÀ 4 THÁNG ĐẦU NĂM 2021

I. Các yếu tố tác động đến tình hình đăng ký doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2021

Công tác chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ tiếp tục đạt hiệu quả cao. Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng cho hơn 128 nghìn người dân trên tổng số gần 1 triệu liều vắc-xin đã nhận được. Dự kiến trong năm nay nước ta sẽ nhận 60 triệu liều vắc-xin. Trong quý I năm 2021, tăng trưởng GDP tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, tương đương với quý IV năm 2020. Tuy vẫn thấp hơn so với các năm trước đại dịch, nhưng tốc độ tăng trưởng này đã phản ánh quá trình phục hồi rất tốt của nền kinh tế. Khả năng ứng phó linh hoạt của các doanh nghiệp đối với tình hình dịch bệnh ngày càng cải thiện rõ rệt. Các doanh nghiệp đã chủ động lên kế hoạch ứng phó với dịch bệnh theo nhiều kịch bản khác nhau, qua đó, không chỉ duy trì được hoạt động của doanh nghiệp mà còn giúp cho nền kinh tế không bị suy giảm sâu và sẵn sàng cho quá trình phục hồi.

Tình hình chính trị trong nước ổn định, Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp, hệ thống bộ máy nhà nước nhiệm kỳ mới đã được kiện toàn. Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lan tỏa được tinh thần khởi nghiệp, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, định hướng này rất phù hợp với bối cảnh dịch bệnh hiện nay, thúc đẩy gia tăng số lượng doanh nghiệp phát triển theo chiều sâu.

Cuộc khảo sát Điều kiện kinh tế toàn cầu (GECS) Quý I năm 2021 do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) và Hiệp hội Kế toán Quản trị Hoa Kỳ (IMA) thực hiện, với sự tham gia của hơn 1.000 kế toán viên và chuyên gia tài chính cao cấp trên thế giới, đã cho thấy Chỉ số niềm tin kinh tế Quý I năm 2021 tăng mạnh nhất kể từ khi cuộc khảo sát này bắt đầu được thực hiện từ 10 năm trước đây.

Theo báo cáo “Triển vọng Kinh tế Thế giới” được công bố ngày 8/4/2021 tại phiên khai mạc Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế của Việt Nam đã có được nền tảng vững vàng khi trong năm 2020, Việt Nam đạt kết quả kinh tế khả quan hơn so với nhiều quốc gia khác trong giai đoạn đại dịch, với mức tăng trưởng GDP 2,9%, nhờ những giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế của Chính phủ.

Bên cạnh đó, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp dẫn đầu niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2020 và Quý I năm 2021 đều có mức lợi nhuận tăng cao đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường.

Tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều chuyển biến tích cực cùng với sự hiệu quả trong công tác kiểm soát dịch bệnh, kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA); tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn; làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại nhằm phân tán rủi ro từ cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung là những yếu tố đã tác động tích cực đến tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021.

II. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2021

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

1.1. Doanh nghiệp thành lập mới

Số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2021 là 44.166 doanh nghiệp, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong giai đoạn 4 tháng đầu năm từ trước đến nay. So sánh với tình hình phát triển doanh nghiệp ảm đạm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 4 tháng đầu năm 2020 (số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong giai đoạn này giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2019), có thể thấy đây là tín hiệu hết sức tích cực. Sự gia tăng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tiếp tục thể hiện xu hướng phục hồi của nền kinh tế và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với triển vọng phát triển kinh tế thời gian tới.

Bên cạnh nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, những kết quả trên có được là nhờ các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện mạnh mẽ trong thời gian qua. Theo đánh giá tại Báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, trong 11 lĩnh vực của Nghị quyết 02, lĩnh vực thành lập doanh nghiệp là lĩnh vực được đánh giá cao nhất, với 72,5% doanh nghiệp đánh giá có sự chuyển biến tốt hoặc rất tốt. Thời gian làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp, khởi sự kinh doanh giảm liên tục từ 2014 đến nay và sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ các quy định mới ban hành về liên thông thủ tục hành chính.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2021 là 1.420.581 tỷ đồng (tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 627.721 tỷ đồng (tăng 41,0% so với cùng kỳ năm 2020), đây cũng là số vốn đăng ký mới cao nhất trong giai đoạn 4 tháng đầu năm từ trước đến nay. Có 14.931 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 4 tháng đầu năm 2021 (tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2020)số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 792.860 tỷ đồng (tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2020). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 14,2 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm là 340.265 lao động, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020.

– Phân theo lĩnh vực hoạt động:

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng ở tất cả các ngành nghề kinh doanh.

Các lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh là: Kinh doanh bất động sản có 2.727 doanh nghiệp (tăng 56,5%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 329 doanh nghiệp (tăng 41,8%); Hoạt động dịch vụ khác có 433 doanh nghiệp (tăng 37,9%); Giáo dục và đào tạo có 1.282 doanh nghiệp (tăng 32,4%) và Vận tải kho bãi có 2.117 doanh nghiệp (tăng 31,1%).

Các ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chiếm tỷ lệ lớn nhất, gồm: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 14.694 doanh nghiệp (chiếm 33,3%); Xây dựng có 5.737 doanh nghiệp (chiếm 13,0%) và Công nghiệp chế biến, chế tạo có 5.649 doanh nghiệp (chiếm 12,8%).

– Phân theo quy mô vốn:

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng ở cả 5 quy mô vốn. Trong đó, doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 39.147 doanh nghiệp (chiếm 88,6%, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2020). Số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng là 2.416 doanh nghiệp (chiếm 5,5%, tăng 24,0% so với cùng kỳ năm 2020); ở quy mô vốn từ 20 – 50 tỷ đồng là 1.337 doanh nghiệp (chiếm 3%, tăng 31,0% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 – 100 tỷ đồng là 622 doanh nghiệp (chiếm 1,4%, tăng 43,0% so với cùng kỳ năm 2020) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng là 644 doanh nghiệp (chiếm 1,5%, tăng 52,2% so với cùng kỳ năm 2020).

1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2021 là 19.256 doanh nghiệp, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm 2020.

Một số lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động gia tăng mạnh khi kết thúc 4 tháng đầu năm 2021: Hoạt động dịch vụ khác (276 doanh nghiệp, chiếm 1,4%, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2020); Kinh doanh bất động sản (597 doanh nghiệp, chiếm 3,1%, tăng 25,4 % so với cùng kỳ năm 2020); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (158 doanh nghiệp, chiếm 0,8%, tăng 17,0% so với cùng kỳ năm 2020); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.095 doanh nghiệp, chiếm 5,7%, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2020) và Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (1.340 doanh nghiệp, chiếm 7%, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2019).

Số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2021 giảm ở 04/17 lĩnh vực: Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (174 doanh nghiệp, chiếm 0,9%, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2020); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (256 doanh nghiệp, chiếm 1,3%, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2020); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (163 doanh nghiệp, chiếm 0,8%, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2020) và Khai khoáng (168 doanh nghiệp, chiếm 0,9%, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2020).

2. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Số liệu doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tích cực, tuy nhiên, những tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường, tìm kiếm những ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi triển khai các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp, chưa “đóng cửa” doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này.

Tháng 4 cũng là thời điểm các doanh nghiệp hoàn thành việc quyết toán và nộp báo cáo tài chính nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trước đó đã hoàn tất thủ tục để chuyển sang tình trạng chờ giải thể. Điều này cũng gây ảnh hưởng tới số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát tại Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 công bố ngày 10/4/2021 do VCCI thực hiện, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực trên diện rộng lên toàn bộ hoạt động doanh nghiệp với hơn 87% doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp tư nhân trong nước và FDI, cho biết họ gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trong năm 2020.

Do vậy, tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2021 tiếp tục có sự gia tăng, với 51.496 doanh nghiệp, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 28.349 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 55,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2021.

2.1. Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh

Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng đầu năm 2021 là 28.349 doanh nghiệp, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng ở tất cả 17 lĩnh vực. Trong đó: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (269 doanh nghiệp, tăng 128%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (89 doanh nghiệp, tăng 56,1%); Giáo dục và đào tạo (606 doanh nghiệp, tăng 49,6%); Khai khoáng (181 doanh nghiệp, tăng 40,3%); Kinh doanh bất động sản (842 doanh nghiệp, tăng 35,2%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (1.878 doanh nghiệp, tăng 34,5%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.752 doanh nghiệp, tăng 32,6%) và Thông tin và truyền thông (627 doanh nghiệp, tăng 30,1%).

Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 25.919 doanh nghiệp (chiếm 91,4%, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng có 1.366 doanh nghiệp (chiếm 4,8%, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 – 50 tỷ đồng có 664 doanh nghiệp (chiếm 2,3%, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 – 100 tỷ đồng có 230 doanh nghiệp (chiếm 0,8%, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2020) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 170 doanh nghiệp (chiếm 0,6%, tăng 49,1% so với cùng kỳ năm 2020).

Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng đầu năm 2021 có thời gian hoạt động ngắn, chủ yếu là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 0-5 năm với 14.940 doanh nghiệp (chiếm 52,7%); 7.284 doanh nghiệp hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 25,7%)  6.125 doanh nghiệp hoạt động trên 10 năm (chiếm 21,6%).

2.2. Doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể

Trong 4 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 16.403 doanh nghiệp, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020.

So với cùng kỳ năm 2020, số lượng các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng ở 15/17 lĩnh vực. Các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (5.946 doanh nghiệp, chiếm 36,2%); Xây dựng (1.976 doanh nghiệp, chiếm 12%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (1.908 doanh nghiệp, chiếm 11,6%).

Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng ở 4/5 quy mô vốn và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 14.822 doanh nghiệp (chiếm 90,4%, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô vốn từ 10 – 20 tỷ đồng có 774 doanh nghiệp (chiếm 4,7%, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 – 50 tỷ đồng có 410 doanh nghiệp (chiếm 2,5%, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 – 100 tỷ đồng có 186 doanh nghiệp (chiếm 1,1%, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2020) và trên 100 tỷ đồng có 211 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2020).

2.3. Doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại

Số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại trong 4 tháng đầu năm 2021 là 6.744 doanh nghiệp, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2020.

17/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là Sản xuất phân phối, điện, nước, gas; Khai khoáng và Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản với tỷ lệ tăng lần lượt là 240,5%; 100% và 58,6%.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại có thời gian hoạt động từ 0-5 năm là 4.525 doanh nghiệp (chiếm 67,1%); 1.172 doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 17,4%) và 1.047 doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 10 năm (chiếm 15,5%).

Phân theo quy mô vốnsố lượng doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng ở 4/5 quy mô vốn, trong đó tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 6.024 doanh nghiệp (chiếm 89,3%, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng có 367 doanh nghiệp (chiếm 5,4%, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 – 50 tỷ đồng có 203 doanh nghiệp (chiếm 3%, tăng 53,8% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 – 100 tỷ đồng có 78 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2020) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng có 72 doanh nghiệp (chiếm 1,1%, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2020).

Có thể thấy, phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và đã giải thể, chấm dứt tồn tại là những doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ bên ngoài.

III. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 4 năm 2021

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

1.1. Doanh nghiệp thành lập mới

Theo dõi tình hình đăng ký doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua, có thể thấy, tháng 4 hàng năm là thời điểm mà các doanh nghiệp thường hay lựa chọn để gia nhập thị trường, ngoại trừ tháng 4 năm 2020, thời điểm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn do việc thực hiện giãn cách xã hội. Không nằm ngoài quy luật đótháng 4 năm 2021 đã đạt mức kỷ lục về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới từ trước đến nay với 14.866 doanh nghiệp (tăng 88,5% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2020, vượt qua mốc kỷ lục 14.854 doanh nghiệp tại thời điểm tháng 4 năm 2019) với số vốn đăng ký là 179.873 tỷ đồng (tăng 91,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020).

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 4 năm 2021 là 94.617 người, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2020.

1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Tháng 4 năm 2021 ghi nhận có 5.745 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2020.

2. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong tháng 4 năm 2021, có 11.747 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có:

– 4.598 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020;

– 5.608 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 158,9% so với cùng kỳ năm 2020; 

– 1.541 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, tăng 57,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh

Đọc thêm

HN: 093.6778.880
HCM: 0911.173.322