Đề nghị báo giá: 093.6778.880 - 0911.173.322 - lienhe@luat7s.com

Làm việc và tuyển dụng tại Singapore

Giấy phép lao động hay visa là một vấn đề quan trọng cho các nhà đầu tư nước ngoài nếu muốn nhập cảnh vào Singapore để quản lý và điều hành công ty. Ngoài ra, việc hiểu rõ về các quy định của luật lao động tại Singapore và nắm rõ trách nhiệm của nhà tuyển dụng khi thuê lao động cũng là một vấn đề không nên bỏ qua khi điều hành công ty tại Quốc đảo Sư tử.

Hiểu rõ được tầm quan trọng này, Luật 7S xin cung cấp cho khách hàng những thông tin thiết yếu khi muốn làm việc hay kinh doanh tại Singapore

1. Giấy phép lao động

Bộ nhân lực Singapore (sau đây gọi tắt là MOM) chịu trách nhiệm cho việc quản lý lực lượng lao động cũng như các vấn đề khác liên quan đến cấp phép cho vấn đề tuyển dụng nhân lực nước ngoài của các công ty tại Singapore.

Theo quy định, người nước ngoài muốn chuyển đến Singapore vì bất kỳ mục đích lao động nào cũng phải có nghĩa vụ xin Visa làm việc hoặc Giấy phép lao động. Singapore cung cấp đa dạng các loại thị thực, mỗi loại được thiết kế cho từng nhu cầu cụ thể.

Về tổng quan, thị thực lao động hoặc giấy phép lao động phổ biến nhất dành cho người nước ngoài có trình độ (professionals) bao gồm:

– Employment Pass (EP)

EP vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với các chuyên gia có mục tiêu ngắn hạn là chuyển đến Singapore để sống và làm việc.

Hình thức thị thực này mang lại sự linh hoạt mà nhiều người nước ngoài cần vì lý do là nó có thể được gia hạn và người nộp đơn có thể thuộc bất kỳ quốc tịch nào trừ những nước bị đưa vào danh sách đen. Cũng không có hạn ngạch giới hạn số lượng người sở hữu EP mà một công ty Singapore có thể tuyển dụng, do đó, việc hồ sơ đăng ký của bạn có được chấp thuận hay không chỉ dựa trên năng lực của bạn mà thôi.

Bạn sẽ phù hợp với hình thức thị thực EP với điều kiện bạn được tuyển dụng cho các công việc quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia, và công việc đó mang lại thu nhập cho bạn ít nhất 4.500 đô la Singapore một tháng. Tiêu chí lượng hóa này không phải là cố định mà tăng lên tỷ lệ thuận với năng lực và vị trí mà bạn nắm giữ. Hơn nữa, bạn phải có một nền tảng chuyên môn hoặc học thuật – vd bằng cấp của một trường đại học danh tiếng có liên quan đến công việc bạn đã đảm nhận.

Khi EP của bạn được thông qua, nó sẽ có hiệu lực trong khoảng từ 1 đến 2 năm cho lần đăng kí đầu tiên. Sau đó, nó có thể được gia hạn lên đến 3 năm cho các lần tiếp theo.

Miễn là nhà tuyển dụng giữ bạn trong danh sách bảng lương và gia hạn thẻ thay cho bạn, bạn có thể ở lại Singapore bao lâu bạn muốn. EP cũng được liệt kê là tiêu chí quan trọng để đăng kí thường trú nhân tại Singapore.        

– EntrePass

EntrePass ban đầu được giới thiệu để cung cấp cho người nước ngoài khả năng tiếp cận hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore. Chương trình này được thiết kế dành riêng cho các doanh nhân, nhà đầu tư hoặc nhà phát minh đang chuẩn bị chuyển đến Singapore và biến ý tưởng của họ thành hiện thực.

Khi bạn đăng ký EntrePass, nền tảng học vấn của bạn được đặt sang một bên. Thay vào đó, để đủ điều kiện nhận EntrePass, bạn phải chứng minh một cách thuyết phục tư duy kinh doanh của mình với MOM. Con đường duy nhất dẫn tới việc chấp thuận là giới thiệu bề dày kinh nghiệm quản lý kinh doanh hoặc kết quả tuyệt vời của các khoản đầu tư của bạn trong quá khứ.

Bạn nên đăng ký công ty mới tại Singapore chỉ sau khi nhận được phê duyệt cho EntrePass. Lưu ý rằng nếu bạn đã có sẵn doanh nghiệp tại Singapore, thì thời gian hoạt động của nó kể từ khi thành lập không được quá 6 tháng.

Ngoài ra, vì sự nghiêm ngặt trong các tiêu chí đánh giá, nên sẽ không có hạn ngạch giới hạn số lượng chủ sở hữu hoặc ứng viên đăng kí EntrePass.

EntrePass sẽ hết hiệu lực sau 1 năm cho lần gia hạn đầu tiên và mỗi 2 năm sau đó. Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm rằng miễn là công ty của bạn không ngừng hoạt động và đáp ứng một số điều kiện nhất định, bạn hoàn toàn có thể gia hạn Entrepass.

Giống như hình thức EP, chủ sở hữu EntrePass đủ điều kiện để đăng ký thường trú nhân khi thích hợp.      

– Personalized Employment Pass (PEP)

PEP đơn giản là một phiên bản nâng cấp của EP.

Mặc dù người nắm giữ EP được liên kết với một công ty tuyển dụng duy nhất trong suốt thời gian ở Singapore, PEP sẽ mang lại cho bạn sự linh hoạt vì việc nắm giữ nó cho phép bạn chuyển đổi công việc và ký kết hợp đồng với các nhà tuyển dụng khác theo ý của bạn. Thêm vào đó, bạn có thể làm điều đó mà không phải xin lại giấy phép mới.

Nếu bạn dự định đăng ký PEP hoặc nâng cấp từ EP lên PEP, bạn sẽ cần phải đáp ứng các điều kiện bổ sung khác, khó khăn hơn so với EP.

Vì thị thực PEP được thiết kế cho các chuyên gia được trả lương cao để giúp họ tự do hơn, bạn phải có mức lương tối thiểu 18.000 đô la Singapore mỗi tháng nếu bạn là một chuyên gia nước ngoài; hoặc ít nhất 144.000 đô la Singapore mỗi năm và 12.000 đô la Singapore mỗi tháng nếu bạn đang sở hữu EP.

Thị thực PEP cũng mang lại nhiều nghĩa vụ báo cáo hơn cho người nắm giữ. Chủ sở hữu được yêu cầu thông báo cho chính quyền từng chút thay đổi về tình trạng việc làm của mình. Trong trường hợp bạn thất nghiệp hơn 6 tháng trong khi giữ PEP, bạn phải thông báo cho MOM để hủy hình thức thị thực này.

Có hai nhược điểm chính liên quan đến thị thực PEP. Một trong số đó là bạn không thể gia hạn sau khi hết hạn sau 3 năm kể từ ngày phát hành. Thứ hai là việc bạn tạm thời không đủ điều kiện để bắt đầu công việc kinh doanh mới của riêng mình trong thời gian hiệu lực của thị thực.

Và đương nhiên là bạn đủ điều kiện để nộp đơn xin thường trú tại Singapore nếu bạn có PEP.

Ngoài ra, Singapore còn có nhiều loại thị thực khác dành cho người nước ngoài với các mục đích khác nhau. Ví dụ như sau:

Đối tượng

Thị thực

Lao động nước ngoàiS Pass (lao động tầm trung thu nhập từ $2.400)

Work Permit (lao động lành nghề)

Miscellaneous Work Pass (lao động ngắn hạn trong 60 ngày)

Sinh viên và thực tập sinh nước ngoàiTraining Employment Pass

Training Work Permit

Người phụ thuộc (người thân)Dependant’s Pass (dành cho vợ/chồng và con cái dưới 21 tuổi chưa kết hôn)

Long-term Visit Pass (dành cho cha/mẹ ruột, vợ/chồng và con cái dưới 21 tuổi chưa kết hôn)

Đối tượng người nước ngoài muốn định cư lâu dài tại Singapore để hưởng các lợi ích đặc quyền tại nước này có thể tham khảo lộ trình cùng các điều kiện để trở thành một thường trú nhân (permanent resident) và sau đó là trở thành công dân tại Singapore (citizen).

2. Tuyển dụng

Luật Tuyển dụng và Lao động (Employment Act) là bộ luật chính thức quy định về các điều khoản và điều kiện lao động cơ bản trong mối quan hệ giữa nhà tuyển dụng và nhân viên tại Singapore, bao gồm cả nhân viên trong nước và nhân viên nước ngoài.

– Hợp đồng lao động

Một hợp đồng lao động giữa đối tượng lao động và người sử dụng lao động phải đáp ứng ít nhất các điều khoản tối thiểu được quy định trong Luật Tuyển dụng và Lao động Singapore. Ngoài ra, các điều khoản khác có thể được thêm vào hợp đồng miễn là cả hai bên ký kết đều đồng ý.

Tuyển dụng hiệu quả luôn bắt đầu bằng việc lập ra một bản hợp đồng với các điều khoản lao động phù hợp, và đây là trách nhiệm của một nhà tuyển dụng. Theo MOM, sau đây là các điều khoản chính (Key Employment Terms) bắt buộc phải được đề cập trong hợp đồng:

  • Họ tên của người sử dụng lao động và người lao động;
  • Chức vụ, trách nhiệm của công việc;
  • Thời gian thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc và ngày bắt đầu;
  • Chi tiết thời gian làm việc (thời gian làm việc, số ngày làm việc một tuần, ngày
  • nghỉ, thời gian làm việc ngoài giờ nếu có…);
  • Chi tiết về lương, bao gồm phụ cấp, các khoản trích lương, lương ngoài giờ (nếu có) hoặc thưởng (nếu có);
  • Các loại nghỉ phép như nghỉ phép hàng năm, nghỉ bệnh hoặc nghỉ thai sản;
  • Thời gian thông báo kết thúc hợp đồng;
  • Các quyền lợi khác như các lợi ích về bảo hiểm, y tế, hoặc nha khoa.

– Thời gian làm việc

Thông thường, thời gian làm việc sẽ được quy định như sau:

  • 9 giờ/ngày hoặc 44 giờ/tuần nếu phải làm việc ít hơn hoặc 5 ngày mỗi tuần, hoặc
  • 8 giờ/ngày hoặc 44 giờ/tuần nếu phải làm việc hơn 5 ngày mỗi tuần.

Thời gian làm việc sẽ được quy định trong hợp đồng lao động với sự đồng ý từ hai phía. Tuy nhiên, một nhân viên không được phép làm việc quá 12 giờ/ngày, trừ những trường hợp sau:

  • Có sự cố hoặc tai nạn;
  • Công việc liên quan đến sinh mạng của cộng đồng, an ninh quốc phòng;
  • Cần vận hành cấp bách máy móc hoặc nhà xưởng;
  • Công việc có sự gián đoạn không thể dự trù trước.

Trong một số trường hợp, nhân viên được phép được làm quá 12 giờ/ngày, nhưng 14 giờ là hạn mức cuối cùng, trong trường hợp này nhà tuyển dụng cần gửi đơn cho Bộ Nhân Lực Singapore (MOM) để thông báo và xin phép.

– Làm việc ngoài giờ

Thời gian làm việc ngoài giờ là thời gian làm việc quá số giờ hành chính quy định, không bao gồm thời gian giải lao. Cụ thể như sau:

Làm việc quá 8 giờ/ngày, hoặc quá 9 giờ/ngày trong 2 trường hợp sau:

Số giờ làm việc của một hoặc nhiều ngày trong tuần không đủ 8 tiếng, và theo hợp đồng lao động, người lao động được phép làm bù vào những ngày còn lại trong tuần vượt quá 8 giờ, nhưng không quá 9 giờ/ngày.

Nếu số ngày làm việc trong tuần không quá 5 ngày, người lao động được

phép làm việc hơn 8 giờ/ngày, nhưng không quá 9 giờ/ngày hoặc 44 giờ/tuần.

Làm việc quá 44 giờ/tuần hoặc quá 48 giờ/tuần hay 88 giờ/2 tuần liên tiếp trong trường hợp:

Số giờ làm việc trong một tuần bất kì không đủ 44 giờ, và theo hợp đồng lao

động, người lao động được phép làm bù trong các tuần kế tiếp nhưng không vượt quá 48 giờ/tuần hoặc 88 giờ/2 tuần liên tiếp.

Với thời gian làm việc ngoài giờ, nhà tuyển dụng phải trả lương ít nhất 1,5 lần số lương tính theo giờ. Nhìn chung, công thức tính là:

[Lương làm việc ngoài giờ = 1,5 x lương theo mỗi giờ x thời gian làm việc ngoài giờ]

Tuy nhiên, một nhân viên chỉ được làm việc ngoài giờ không quá 72 tiếng/tháng. Nếu muốn, nhà tuyển dụng phải nộp đơn cho MOM để xin phép cho nhân viên được làm vượt số giờ quy định. Xin lưu ý rằng các hoạt động sau sẽ không được xét duyệt:

  • Công việc đòi hỏi nhiều sự tập trung để đảm bảo vận hành an toàn;
  • Công việc yêu cầu sự liên tục trong vận hành thủ công máy móc;
  • Công việc với nhiệt độ cao hoặc thay đổi nhiệt độ liên tục;
  • Công việc trong môi trường nén khí;
  • Công việc được làm bởi trẻ em hoặc phụ nữ mang thai;
  • Công việc đòi hỏi sức khỏe thể chất;
  • Công việc với độ cao trên 3 mét

– Nghỉ phép

Nhân viên sẽ được nghỉ có lương vào 11 ngày lễ tại Singapore.

Nhân viên được phép nghỉ có lương 7 ngày một năm nếu làm đủ 12 tháng liên tục, cộng 1 ngày nghỉ mỗi 12 tháng sau đó, tối đa đến 14 ngày nghỉ phép một năm.

Nhân viên được phép nghỉ bệnh từ 5 ngày đến 14 ngày (không nhập viện) hoặc từ 15 ngày đến 60 ngày (nếu nhập viện), tùy thuộc vào số tháng mà nhân viên đã làm việc.

– Quỹ phòng xa trung ương CPF

Người lao động là công dân hoặc thường trú nhân có mức thu nhập từ 50 đô/tháng và người sử dụng lao động tại Singapore bắt buộc phải đóng quỹ CPF, dựa trên số lương tháng của đối tượng lao động đó. Mỗi tháng, người sử dụng lao động có trách nhiệm trích một phần lương của nhân viên và của chính người sử dụng lao động để đóng quỹ theo tỷ lệ sau:

Độ tuổi Nhân viên

Tỷ lệ đóng góp vào Quỹ CPF (theo % lương)

Nhà tuyển dụng

Nhân viên

Tổng

55 tuổi trở xuống

17%

20%37%

Trên 55 tuổi đến 60 tuổi

13%

13%26%

Trên 60 tuổi đến 65 tuổi

9%

7,5%16,5%

Trên 65 tuổi

7,5%

5%

12,5%

– Kết thúc hợp đồng

Nhân viên hoặc nhà tuyển dụng đều có quyền kết thúc hợp đồng nhưng phải thông báo bên còn lại về ý định này. Thời hạn thông báo được quy định theo điều khoản trong hợp đồng lao động, nhưng phải tuân thủ theo quy định trong Luật lao động như sau:

  • Trước 1 ngày nếu nhân viên làm việc ít hơn 26 tuần;
  • Trước 1 tuần nếu nhân viên làm việc từ 26 tuần nhưng ít hơn 2 năm;
  • Trước 2 tuần nếu nhân viên làm việc từ 2 năm nhưng ít hơn 5 năm;
  • Trước 4 tuần nếu nhân viên làm việc từ 5 năm trở lên.

Tuy nhiên, nhân viên hoặc nhà tuyển dụng vẫn có quyền kết thúc hợp đồng mà không cần thông báo hoặc kết thúc hợp đồng sớm hơn thời gian thông báo thôi việc, bằng cách thanh toán cho bên còn lại số tiền tương đương số tiền lương nếu nhân viên tiếp tục làm trong khoảng thời gian thông báo thôi việc.

Ngoài ra, nhân viên hoặc nhà tuyển dụng cũng có thể chấm dứt hợp đồng không cần báo trước nếu bên còn lại vi phạm có chủ đích những điều khoản và điều kiện trong hợp đồng lao động.

– Múi giờ và thời gian làm việc thực tế tại địa phương

Múi giờ được sử dụng tại Singapore nhanh hơn 8 giờ so với giờ chuẩn UTC (hay còn gọi là GMT), được ký hiệu là UTC+08:00. So với Việt Nam (UTC+7:00), thì Singapore đi trước 1 giờ.

Thời gian làm việc thông thường tại một công sở Singapore là từ thứ Hai đến thứ Sáu, từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Tuy nhiên, cũng có một số nơi làm việc vào nửa buổi thứ Bảy, từ 9 giờ sáng đến 1 giờ chiều.

Trong nhiều năm liền, Singapore được xem là một trong những đất nước có lực lượng lao động làm việc chăm chỉ nhất thế giới, với nét văn hóa “cuồng công việc”. Thực tế cho thấy phần lớn nhân viên đến công sở sớm hơn và dành nhiều thời gian ở lại công sở sau giờ làm để hoàn thành công việc. Lý giải cho việc này, nhiều chuyên gia cho rằng lý do nằm ở môi trường cạnh tranh khốc liệt giữa những doanh nghiệp với nhau.

Theo số liệu của Bộ Nhân Lực Singapore, tổng thời gian làm việc của một nhân viên Singapore là 46 giờ/tuần từ năm 2009 đến 2014. Số liệu này giảm nhẹ theo từng năm, xuống còn 44,7 giờ/tuần trong năm 2019. Trung bình thì một Singaporean làm việc ngoài giờ 2,7 giờ/tuần trong năm 2019.

– Ngày lễ tại Singapore

Sẽ có 11 ngày nghỉ trong 10 ngày lễ chính thức tại Singapore:

  1. Ngày Tết Dương Lịch
  2. Ngày Tết Âm Lịch (kéo dài 2 ngày)
  3. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday)
  4. Ngày Quốc Tế Lao Động
  5. Ngày Lễ Phật Đản (Vesak Day)
  6. Ngày Lễ Hội Hari Raya Puasa
  7. Ngày Lễ Hội Tế Thần (Hari Raya Haji)
  8. Ngày Quốc Khánh Singapore
  9. Ngày Lễ Hội Ánh Sáng (Deepavali)
  10. Ngày Giáng Sinh

Trên đây là toàn bộ thông tin về tuyển dụng và làm việc tại Singapore mà Luật 7S đã tổng hợp dành cho khách hàng.

Cảm ơn quý khách đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Nếu có nội dung nào không rõ cần trao đổi, vui lòng liên hệ lại với chúng tôi.

Đọc thêm

HN: 093.6778.880
HCM: 0911.173.322