Đề nghị báo giá: 093.6778.880 - 0911.173.322 - lienhe@luat7s.com

Abivin và những câu chuyện thú vị xoay quanh vị Founder trẻ tuổi nhưng vô cùng tài năng

Abivin là một startup xây dựng phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giải bài toán trong logistics, giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics hoặc vận tải tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả vận hành và tự động hóa các quy trình vận hành truyền thống.

Trong 5 năm qua, Abivin đã phát triển 3 văn phòng lớn tại Hà Nội, Hồ Chí Minh và Singapore, thực hiện hơn 35 dự án tối ưu hóa Chuỗi cung ứng/Logistics trên cả nước và thế giới. Abivin được biết đến nhiều hơn khi hai vị founder – là cặp vợ chồng trẻ Nam Long và Hoàng Anh tham gia gọi vốn trên chương trình Shark Tank mùa 2.

Vinh dự là công ty chiến lược cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý cho Abivin, Luật 7s đã và đang chứng kiến hành trình đầy tự hào của start up trẻ tuổi nhưng lớn mạnh này. Câu chuyện về Abivin còn thú vị hơn cả khi nhắc đến hành trình khởi nghiệp của hai vị Founder quyền lực.

Vợ chồng Nam Long và Hoàng Anh - Co Founder Abivin

Vợ chồng Nam Long và Hoàng Anh – Co Founder Abivin

Thành tích học tập đáng tự hào!

Phạm Nam Long là một cựu học sinh chuyên toán Trường Chuyên Sư Phạm Hà Nội. Anh đã từng đạt rất nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế trong môn Toán, Tin học và Vật lý. Bên cạnh đó, Nam Long còn tốt nghiệp đại học Cambridge (Anh) chuyên ngành Khoa học máy tính, sau đó lấy bằng thạc sỹ tại Đại học Bristol ngành Máy học và từng có thời gian làm việc tại Google ở Mountain View ở Mỹ. Phạm Nam Long đã từng tự tin nói rằng, thuật toán của anh rất khó để các start up có thể giải được và anh có thể giúp chủ doanh nghiệp quản lý được quy trình vận hành trong chuỗi cung ứng.

Cũng không kém cạnh chồng mình, Nguyễn Hoàng Anh ( Cassie Nguyễn) là cựu sinh viên ngành kinh doanh quốc tế tại Phần Lan. Cô đã có kinh nghiệm tại một công ty Third Party Logistic (3PL – Dịch vụ cung ứng trọn gói) và công ty về phần mềm Sixth Gear Studios.

Bỏ học Thạc sĩ ở Châu Âu để về nước nhà khởi nghiệp!

Sau khi tốt nghiệp đại học tại Phần Lan, Hoàng Anh xuất sắc giành cho mình tấm học bổng Thạc sỹ chuyên ngành Logistics và chuỗi cung ứng. Cô tâm sự, bản thân rất mông lung không biết nên về Việt Nam hay quay trở lại châu Âu để học tiếp.

Và rồi một cơ hội mang tính quyết định đã đến với Cassie, trong khi chờ nhập học, cô có cơ hội làm việc trong một công ty phần mềm ở Việt Nam và phát hiện ra rằng đây là ngành có thể mang lại sự tăng trưởng đột phá và có nhiều cơ hội tạo ra một tầm ảnh hưởng nhất định. Do đó, mặc dù đã chuẩn bị hết mọi thứ để nhập học Thạc sĩ, cô đã khiến mọi người trong gia đình ngỡ ngàng với quyết định bỏ học để về Việt Nam khởi nghiệp.

Hoàng Anh chia sẻ: “Tôi nhận thấy rằng hiện nay ai cũng nhận ra công nghệ là xu hướng. Nhưng bắt tay vào làm mới biết, vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa lý thuyết và ứng dụng công nghệ vào vận hành. 90% công ty logistics hiện nay vận hành rất thủ công. Nếu mình là người có khả năng, kiến thức và được tiếp xúc với công nghệ mới nhất, tại sao mình không kéo nó vào lĩnh vực truyền thống để thu nhỏ khoảng cách đấy, xây dựng một công ty là một trải nghiệm rất thú vị”,

Abivin – Start up được rất nhiều những giải thưởng lớn nhỏ

Abivin được biết đến rộng rãi khi hai vợ chồng Nam Long và Hoàng Anh tham gia gọi vốn tại chương trình Shark Tank. Trong chương trình, Shark Dũng đã thoả thuận với Abivin đầu tư 100.000 USD đổi lấy 10% cổ phần và 100.000 USD cho vay dưới dạng trái phiếu. Tuy nhiên sau chương trình, do không thỏa thuận được giữa hai bên nên Abivin không bắt tay với Shark Dũng. Công ty nhận tiền đầu tư của chương trình Hỗ trợ ươm mầm khởi nghiệp sáng tạo của chính phủ Phần Lan và được một quỹ nước ngoài khác rót vốn.

Vào năm 2018, sau khi lên Shark Tank, Abivin được mời tham dự cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp quốc gia Techfest Vietnam do Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức. Với slogan: “From here to Global” , ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cụcc Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ rằng, “From here” tức là đứng trên mảnh đất và điều kiện của Việt Nam, nhưng tầm nhìn ước mơ phải dám vươn toàn cầu (“to Global“).

Cuộc thi lần này cũng được thay đổi format: Ngôn ngữ pitching toàn bằng tiếng Anh, pitching trong 5ph, ban giám khảo là những người gai góc, những nhà đầu tư, các chuyên gia… Không có người nâng đỡ, khuyến khích hay trao giải mang tính phong trào như trước. Và trong năm đầu tiên thay đổi format, đội giành giải vô địch chính là Abivin của cặp vợ chồng trẻ Nam Long và Hoàng Anh – hai du học sinh từ Anh và Phần Lan trở về start up trên đất mẹ.

Abivin vô địch cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp quốc gia Techfest Vietnam

Abivin vô địch cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp quốc gia Techfest Vietnam

Nối tiếp chiến thắng đó, Abivin được lựa chọn tham dự cuộc thi Start up World Cup 2019. Ông Quất lúc ấy chia sẻ: “Chúng tôi chỉ tham gia với tinh thần giao lưu học hỏi là chính”. Cuộc thi này có 30.000 công ty trên khắp toàn cầu dự thi, vào vòng bán kết có 36 đội và chung kết có 12 đội, trong đó Abivin là đại diện Đông Nam Á duy nhất, bên cạnh các anh tài của Mỹ (3 đội), Bắc Âu (3 đội) và Nhật Bản, Hàn Quốc. Họ đều là những đội rất mạnh, đến từ những cường quốc lớn, sở hữu các công nghệ hàng đầu thế giới và đa phần đều có học vấn PhD. Abivin giống như hạt cát trên sa mạc chỉ đi thi với tinh thần học hỏi là chính.

Bên cạnh đó, vì không đủ vé máy bay nên chỉ có mình cô vợ Hoàng Anh “thân chinh” ra nước ngoài tham dự, cuối cùng lại ẵm luôn giải vô địch. Chính cô, một cô gái Việt Nam nhỏ bé đã thuyết phục được ban giám khảo khó tính của cuộc thi Startup World Cup và mang về 1 triệu USD cho Abivin. Chia sẻ về giải thưởng này, Hoàng Anh xúc động: “Điều ấy vô cùng bất ngờ. Rõ ràng trí tuệ Việt Nam có thể giải bài toán được toàn cầu chấp nhận. Mặc dù bài toán logistics và các thuật toán của Việt Nam là chính, nhưng rõ ràng thị trường đầu tư cho việc này là vô cùng lớn, và chúng ta đã làm được điều rất thần kỳ“.

Abivin vô địch cuộc thi Startup World Cup

Abivin vô địch cuộc thi Startup World Cup

Khó khăn trong quá trình khởi nghiệp

Đầu tiên là phải kể đến khó khăn khi khởi nghiệp tại Việt Nam, với người Việt, con gái đến tuổi là phải lấy chồng sinh con, yên bề gia thất. Hoàng Anh chia sẻ, ở tuổi này, cô thường xuyên bị bố mẹ, họ hàng thúc giục: “Sao không dành thời gian chăm lo gia đình, về nhà nội trợ, nấu cơm rửa bát đúng giờ theo tiêu chuẩn vợ hiền”. Tuy nhiên với một cô gái trẻ đầy ước mơ và nhiệt huyết như Hoàng Anh, thì định nghĩa  với gia đình không phải ở việc có thể về nhà đúng giờ để nấu cơm, chuẩn bị mọi công việc nội trợ một cách chu toàn, bởi ở thời điểm hiện tại, đây không là mục tiêu mà Cassie đang hướng đến.

Khó khăn thứ hai chính là việc khi hai vợ chồng cùng là Co-Founder. Caise chia sẻ, sẽ có những lúc xung đột dẫn đến việc về nhà vẫn khó chịu. “Tuy nhiên tôi thấy dù làm với cofounder nào chăng nữa cũng sẽ có những trường hợp tương tự. Quan trọng là làm thế nào rành rọt ra việc nào của ai, không được giẫm chân lên vai trò của người ấy để tránh bớt những xung đột”.

Trong trường hợp tranh luận quá gay gắt, hai vợ chồng sẽ tham khảo ý kiến của Ban cố vấn hay các Mentor, nhờ họ phân tích, liệt kê, điểm tốt và điểm chưa được trong phương án của mỗi người để ra tìm ra hướng đi tốt nhất.

Lời khuyên dành cho giới trẻ khi khởi nghiệp 

Đừng ngại học hỏi 

“Tôi thấy rằng ở Việt Nam thường có tâm lý chung là ngại hỏi, bởi vì như vậy sẽ không cool cho lắm. Với tôi, dù bạn được đào tạo ở ngành nào thì cũng có những kiến thức, từ ngữ ở ngành bắt buộc phải học, không ai biết tất cả mọi thứ và nếu quyết tâm học từ đồng nghiệp, tự trau dồi kiến thức thì sẽ thành công.” – Cassie chia sẻ.

Bên cạnh đó làm kinh doanh lại thay đổi theo từng giai đoạn và không phải lúc nào bạn cũng có chìa khoá thần kỳ để vượt qua những thử thách đó. Điều quan trọng là không được từ bỏ, hãy không ngừng học hỏi và luôn sẵn sàng với những thử thách tiếp theo.

Chìa khoá thành công: Hãy tìm 5 Khách hàng đầu tiên và giúp họ thành công sau đó mới Sale

Với một dịch vụ/ sản phẩm mới, khách hàng thường sẽ đặt câu hỏi: “Đã có công ty nào sử dụng sản phẩm này chưa? Đã thành công chưa hay mới đang thử nghiệm”. Để giải quyết bài toán này Abivin đã chọn lựa khách hàng đầu tiên một cách thông minh. Đó có thể là khách hàng top đầu trong lĩnh vực mình hướng đến.

Cassie cho rằng, với mô hình B2B (business to business), ở thời điểm ban đầu, sale quan trọng hơn marketing. “Phải chọn được khách hàng đầu tiên và biến họ thành khách hàng chiến lược, mở rộng 5 khách hàng tiếp theo và giúp họ thành công, sau đó mang tập khách hàng thành công đó đi quảng bá sau”. Khi bạn đã có tệp khách hàng đủ mạnh, cộng đồng doanh nghiệp sẽ tự động giới thiệu cho nhau hoặc các doanh nghiệp khác thấy mô hình đó thành công có thể bắt chước theo.

Ở thời điểm hiện tại, Abivin có 10 khách hàng lớn, đều là các khách hàng tên tuổi như Friesland Campina (cô gái Hà Lan), P&G, Highlands Coffee, Tân Cảng Sài Gòn, Habeco, Mesa Group, ngoài ra còn có khách hàng tại Myanmar và Singapore. Abivin cũng chia sẻ thêm, công ty hiện có hai nguồn tài chính: một là phí phát triển và triển khai một lần (10.000-80.000 USD/năm). Hai là phí bản quyền phần mềm người dùng, khoảng 10 – 15 USD/user/tháng.

Khởi nghiệp bằng công nghệ đang là xu thế của rất nhiều doanh nghiệp trong thời đại 4.0. Hy vọng rằng bài viết này sẽ phần nào tiếp thêm động lực cho các doanh chủ cũng đang đi theo con đường này. Khởi nghiệp không khó nếu như bạn tìm được một người bạn đồng hành, hãy để Luật 7s cùng bạn chinh phục những đỉnh cao phía trước!

Sunshine

Đọc thêm

HN: 093.6778.880
HCM: 0911.173.322