Đề nghị báo giá: 093.6778.880 - 0911.173.322 - lienhe@luat7s.com

Shark Bình – Từ cậu sinh viên đến ông Hoàng khởi nghiệp!

NextTech Group of Techno Enterprises là tập đoàn hàng đầu Việt Nam hoạt động trong ngành Thương mại số hoá. Được thành lập vào năm 2001, tính đến nay, NextTech đã và đang khẳng định vị thế của mình là công ty đi đầu trong lĩnh vực công nghệ trên khắp Đông Nam Á. Với sự hiện diện đậm nét trên các phương tiên truyền thông cùng với vô số các giải thưởng lớn nhỏ, tập đoàn NextTech còn được mệnh danh là “Alibaba của Việt Nam”. Tính đến thời điểm hiện tại, tập đoàn đã có hơn 1200 nhân viên làm việc trên 8 văn phòng trên toàn thế giới, cung cấp 20 dịch vụ trực tuyến bởi 40 công ty.

Ban lãnh đạo của Luật 7s đã đồng hành cùng tập đoàn từ khi 7s chưa thành lập. Tính đến thời điểm hiện tại, Luật 7s tự hào là đối tác chiến lược, tham mưu, tư vấn pháp lý cho hầu hết các dự án lớn nhỏ của tập đoàn.

Để có được thành công như hiện tại, ông chủ của NextTech – Nguyễn Hoà Bình đã trải qua biết bao hành trình khởi nghiệp chông gai và gian khổ, thâm chí ông còn được biết đến với tên gọi “Ông Hoàng khởi nghiệp”. Câu chuyện thành công của shark Bình đã trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ start up Việt Nam trên con đường chinh phục những ước mơ lớn:

Ông Nguyễn Hoà Bình - CEO Tập đoàn NextTech

Ông Nguyễn Hoà Bình – CEO Tập đoàn NextTech

Nguyễn Hoà Bình khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường

Câu chuyện bắt đầu từ năm 1997 khi chủ tịch NextTech bây giờ mới chỉ học lớp 11, trong một lần nhìn qua khung cửa lớp học, bắt gặp người ta đang xây nhà thi đấu tỉnh Hà Tây, lúc ấy cậu bé 16 tuổi đã nhen nhóm cho mình ước mơ trở thành chủ doanh nghiệp: ” Ước gì mình có một công ty có văn phòng, trụ sở to như toà nhà kia”.

Khi bước chân vào giảng đường đại học, ước mơ ấy vẫn không ngừng thôi thúc cậu sinh viên trẻ. Tại thời điểm đó, sinh viên đa phần chỉ biết đến ăn học, có thời gian rảnh thì chơi game, đá bóng hoặc ngủ. Nhưng Bình nghĩ, như vậy thì phí thời gian quá, sao không làm điều gì đó cho nghề của mình, nếu thành công thì ra trường đã có sự nghiệp, còn nếu thất bại thì cũng có được kinh nghiệm trên thị trường lao động.

Thế rồi với nền tảng là sinh viên Đại học Công nghệ – Đại học quốc gia Hà Nội, cùng với những kinh nghiệm tích luỹ được từ những lần làm phần mềm cho doanh nghiệp, tháng 4/2001, sau khi lĩnh 2 triệu đồng từ tiền công làm phần mềm, Nguyễn Hoà Bình đã không do dự cầm luôn số tiền 2 triệu đó để đăng ký thành lập công ty, lấy tên là PeaceSoft – công ty của sinh viên, công ty 1 người.

Từ cậu sinh viên đến Ông Hoàng khởi nghiệp 

Trong 3 năm đầu, PeaceSoft chuyên làm phần mềm cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên đến năm 2004, một một bước ngoặt lớn đã đến trên con đường khởi nghiệp của ông. Nguyễn Hoà Bình trăn trở: “Nếu cứ làm phần mềm mãi, đi code dạo hoài,  nhỡ khi mình ốm, không kiếm được hợp đồng nữa, chẳng phải sẽ chết đói hay sao?” Thế rồi, suy nghĩ về thu nhập thụ động – ” đi ngủ mà tiền vẫn về” bắt đầu được nhen nhóm trong ông.

Cũng tại thời điểm đó, Internet đã bắt đầu cất cánh tại Việt Nam, thành công của các ông lớn như Yahoo, eBay đã truyền cảm hứng để “thiên tài khởi nghiệp” cho ra đời sản phẩm đầu tiên là sàn thương mại điện tử www.choidientu.vn. Khi ấy, khái niệm thương mại điện tử còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng Nguyễn Hoà Bình vẫn quyết tâm làm bởi nhận ra có cả một “đại dương xanh” chưa được khai phá ở lĩnh vực đó.

Năm 2006, khi www.choidientu.vn vừa hoàn tất giao dịch thứ 300, Nguyễn Hoà Bình đã nói trên tờ Financial Times (Mỹ) rằng, hy vọng một ngày đẹp trời nào đó người khổng lồ eBay sẽ đến gõ cửa công ty ông. Và đúng là sau đó, eBay đã bắt tay với Choidientu để cùng ra mắt sàn thương mại điện tử xuyên biên giới eBay.vn mở ra công cuộc mua hàng trên khắp thế giới cho người Việt.

Sau khi eBay rút đi, Nguyễn Hoà Bình lại một lần nữa nhận ra rằng, thay vì đứng trên vai người khổng lồ, ông nên tự đi bằng chính đôi chân của mình để tiến về phía trước. Đó là lúc ông quyết định gầy dựng hệ sinh thái xoay quanh thương mại điện tử của NextTech.

Tập đoàn NextTech

Ông nhận thức rất rõ được việc: kinh doanh thương mại điện tử nếu không có công cụ thanh toán thì sẽ rất khó kiểm soát được dòng tiền giữa người mua và người bán. Ông cũng tính hợp tác với các công ty khác nhưng sau 2 năm chờ đợi cũng chẳng thấy ai làm cả nên cuối cùng lại quyết định tự làm.

Đó chính là lý do để cổng trung gian thanh toán Ngân lượng ra đời vào năm 2009 và không lâu sau đã trở thành cổng trung gian thanh toán lớn nhất Việt Nam. Với tư duy không ngừng học hỏi tiến về phía trước, Bình hiểu rằng để thành công như những ông lớn Alibaba hay Amazon, thì cần phải có cả kho vận lẫn vận chuyển. Kể từ đó mà Shipchung – giải pháp logistic, rồi cả Boxme – giải pháp kho vận ra đời.

“Khi ấy, giải pháp hệ sinh thái còn khá mới mẻ, nhưng chúng tôi đã tiên phong phát triển. Sau này các doanh nghiệp khác mới đi theo con đường đó” – Nguyễn Hoà Bình chia sẻ.

Tuy nhiên, vào năm 2014, mới là thời kỳ hệ sinh thái của NextTech phát triển mạnh mẽ nhất, khi Bình đã quyết định chuyển đổi từ E-Commercer (thương mại điện tử) sang D-Commerce (điện tử hóa thương mại). NextTech đã bắt đầu được phát triển với tầm nhìn trở thành “tập đoàn luôn điện tử hóa và thuận lợi hóa cuộc sống của con người, bằng ứng dụng công nghệ thông tin”.

Sau khi chuyển sang giai đoạn D-Commerce, NextTech liên tục ra mắt các sản phẩm mới: như trang thương mại điện tử xuyên biên giới WeShop giúp người Việt mua hàng trên eBay và Amazon, giải pháp thanh toán di động mPoS, sàn P2P Lending Vaymuon, rồi ví điện tử Vimo, …, đồng thời mở rộng ra các thị trường Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Trung Quốc, Mỹ và mới đây nhất là Myanmar, sau khi FastGo quyết định sang đây để “chinh chiến”.

Ở NextTech có một nguyên tắc quan trọng bậc nhất, đó là bất kỳ sản phẩm nào cũng sẽ được thúc đẩy ra nước ngoài trong vòng 6 tháng khởi nghiệp. Chính vì lẽ đó, mà hệ sinh thái của NextTech luôn không ngừng được mở rộng.

Tính ra từ lúc thành lập PeaceSoft, đến nay NextTech lúc nào cũng… khởi nghiệp, có năm khởi nghiệp đến 5-7 công ty. Điều tuyệt vời hơn cả, là ở bất kỳ lĩnh vực nào, Nguyễn Hoà Bình cũng luôn là người tiên phong: “Tất cả những gì mà tôi làm trong suốt thời gian qua đều là bắt đầu một xu hướng mới, mang tính bước ngoặt, chứ không phải chỉ là khởi nghiệp với sản phẩm nọ hay sản phẩm kia” – ông chia sẻ. Cũng có thể coi, ông không chỉ khởi nghiệp trong kinh doanh mà còn khởi nghiệp ngay trong chính lĩnh vực mà ông làm.

Bí quyết gì để các dự án của NextTech có thể thành công đến vậy?

Có ba bí quyết cốt lõi dẫn đến thành công của NextTech mà bất kỳ chủ doanh nghiệp nào cũng nên học hỏi.

Bí quyết đầu tiên là đến từ tư duy đi trước thời đại của chủ tịch Nguyễn Hoà Bình, ông luôn trăn trở sản phẩm của mình khi ra mắt có thể giải quyết nhu cầu nhức nhối nào của xã hội. Ông chia sẻ, vào giai đoạn mới thành lập, PeacePeaceSoft vẫn chạy theo phong trào xem mô hình nào trên thế giới thành công thì chạy theo. Cho đến năm 2012, Nguyễn Hoà Bình đã thay đổi được tư duy từ phong trào, sao chép sang tư duy giải quyết các vấn đề của xã hội.

Bởi mỗi quốc gia đều có những đặc thù vấn đề riêng, chúng ta cần tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề mà chúng ta đang gặp phải. NextTech đã tìm ra tầm nhìn D-commerce (điện tử hóa thương mại). Câu chuyện từ đó trở nên khác biệt hoàn toàn, dùng công nghệ để điện tử hóa, tối ưu các giao dịch kinh doanh truyền thống, giúp tốt hơn nhiều so với trước, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Bí quyết thứ hai là ở NextTech có hệ sinh thái. Hiện nay, NextTech có 20 dịch vụ được cung cấp bởi 40 công ty trong nhiều lĩnh vực như thương mại, tài chính hay logistics. Nguyễn Hoà Bình gọi NextTech là “một đàn cá hổ, nhỏ, khéo léo và sắc bén, dùng hệ sinh thái có nhiều thành viên khác nhau tấn công từ mọi phía”. Một con cá to có thể bị giết chết nhưng rất khó để giết chết được một đàn cá. Bằng bí quyết đó, NextTech đã không ngừng lớn mạnh và mở rộng hệ sinh thái của mình.

Bí quyết cuối cùng và cũng là bí quyết góp phần không nhỏ tạo nên bước ngoặt của NextTech. Vào năm 2013 – 2014, NextTech đã tìm ra “bộ gen” cho mình, thể hiện cho cách nghĩ, cách làm việc của doanh nghiệp. “Bộ gen” ấy gồm 8 chữ:

  • Nhóm: thể hiện con người trong doanh nghiệp phải đoàn kết một lòng.
  • Mê: nếu không có đam mê không làm được gì cả.
  • Học: liên tục học hỏi trong ngành mới.
  • Khách: khách hàng là trên hết và thị trường là số 1.
  • Đổi: luôn phải thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của ngành công nghệ thông tin.
  • Chủ: chủ động trước mọi biến thiên của thời cuộc.
  • Sáng: sản phẩm sáng tạo và tiên phong.
  • Trung: phải kiên nhẫn, kiên trì với hướng đi của mình.

Lời khuyên dành cho những nhà khởi nghiệp trẻ

Thứ nhất, Nguyễn Hoà Bình khuyên các bạn trẻ khi quyết định dấn thân vào con đường khởi nghiệp cần xác định rõ đây là hành trình nhiều chông gai và nước mắt. Đại đa số doanh nghiệp khởi nghiệp đều có kết cục không mấy tốt đẹp như: thất bại, phá sản, mất nhà, mất xe, mất tiền,…thậm chí là suy sụp, mất tự tin, hay mất tự do để được là chính mình.

Cần nhận thức rõ đây là con đường rất khó khăn, phải đánh đổi ít nhất 3 năm đầu tiên là thời gian nhiều thất bại, nhiều khó khăn, dễ nản chí và cuộc sống bị đảo lộn.

Thứ hai, hãy khởi nghiệp bằng chính đam mê của bạn. Nếu chúng ta chưa giỏi thứ gì thì nhờ có đam mê làm ngày làm đêm sẽ thành chuyên gia. Và nếu như bạn đã biết đam mê của mình là gì thì hãy khởi nghiệp trên chính đam mê của bạn.

Thứ ba, đừng coi tiền là vấn đề quan trọng nhất khi khởi nghiệp. Cái mà các bạn trẻ cần quan tâm ở đây chính là “nỗi đau của thị trường” và chúng ta có giải quyết được nỗi đau ấy hay không. Đừng làm thứ mà thị trường không cần! Rất nhiều bạn trẻ bước chân vào con đường khởi nghiệp liền đi vay mượn, bán nhà, bán xe, xong nếu làm thứ mà thị trường không cần, thất bại lại càng đau đớn.

Cuối cùng, theo shark Bình, khởi nghiệp không nhất thiết là phải tự mở một công ty rồi đứng ra làm chủ. Bạn hoàn toàn có thể làm lãnh đạo một công ty khởi nghiệp mà rủi ro lại thấp hơn, như việc gia nhập một hệ sinh thái khởi nghiệp nào đó sẵn có, giống như NextTech. Một công ty đã có nền tảng hệ sinh thái với nhiều nguồn lực, nhiều thông tin từ nhiều ngành và nguồn vốn mạnh thì rủi ro trong khởi nghiệp sẽ thấp hơn.

Khởi nghiệp là một chặng đường gian nan nhưng cũng đầy những trải nghiệm mới mẻ và những bài học quý báu. Hy vọng rằng thông qua câu chuyện này, các bạn trẻ sẽ có thêm cho mình thật nhiều kinh nghiệm và động lực để vững bước trên hành trình sắp tới! 

Luật 7s tự hào được sát cánh cùng các bạn trên hành trình đáng tự hào này!

Sunshine

Đọc thêm

HN: 093.6778.880
HCM: 0911.173.322