Đề nghị báo giá: 093.6778.880 - 0911.173.322 - lienhe@luat7s.com

TƯ VẤN ÁP DỤNG PHÁP LUẬT TRONG QUAN HỆ HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI

Hợp đồng mua bán hàng hóa có bản chất chung của hợp đồng, là sự thỏa thuận nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ mua bán.

1. Áp dụng pháp luật trong quan hệ hợp đồng thương mại có luật chuyên ngành điều chỉnh

Quan hệ hợp đồng thương mại có luật chuyên ngành điều chỉnh bao gồm một số ngành sau:

– Hợp đồng thương mại (được Luật thương mại 2005 điều chỉnh);

– Hợp đồng kinh doanh bất động sản (được Luật kinh doanh bất động sản 2014 điều chỉnh);

– Hợp đồng bảo hiểm (được Luật kinh doanh bảo hiểm 2010 sửa đổi bổ sung 2013 điều chỉnh);

– Hợp đồng lao động (được Luật lao động 2012 điều chỉnh).

Tất cả những loại hợp đồng nêu trên đều phải dựa trên cơ sở những quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Điều 3 có quy định như sau:

Điều 3. Áp dụng tập quán, quy định tương tự của pháp luật

Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thoả thuận thì có thể áp dụng tập quán; nếu không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Tập quán và quy định tương tự của pháp luật không được trái với những nguyên tắc quy định trong Bộ luật này.”

Hay trong Điều 4 Luật thương mại quy định về áp dụng  Luật Thương mại và pháp luật có liên quan như đã dẫn ở trên có thể hiểu:

– Hợp đồng thương mại phải tuân theo pháp luật thương mại và đương nhiên phải phù hợp với các quy định của Bộ luật Dân sự

– Hoạt động thương mại đặc thù như kinh doanh bất động sản, kinh doanh bảo hiểm…thì được áp dụng theo quy định của luật chuyên ngành đó.

– Nếu các luật chuyên ngành không có quy định thì lại quay về áp dụng đạo luật cơ bản đó là Bộ luật Dân sự

Tóm lại, áp dụng pháp luật có luật chuyên ngành điều chỉnh thì buộc phải tuân theo các quy định của luật chuyên ngành đó. Nếu luật chuyên ngành không có quy định hoặc quy định không rõ ràng thì có thể áp dụng các đạo luật khác có giá trị pháp lý cao hơn luật chuyên ngành để áp dụng.

2. Áp dụng pháp luật trong quan hệ hợp đồng thương mại có một bên là thương nhân

Để hiểu được các quy định của pháp luật trong áp dụng pháp luật nếu có một bên là thương nhân, trước hết cần hiểu rõ 2 ý như sau:

– Việc xác định một hợp đồng là hợp đồng Dân sự hay hợp đồng Thương mại là nhằm xác định Chế độ Pháp lý được áp dụng cho hợp đồng đã ký kết này (Chế độ pháp lý của hợp đồng Dân sự hay Chế độ Pháp lý của hợp đồng Thương mại). Chế độ pháp lý ở đây sẽ chính là các quy định của pháp luật được áp dụng để giải thích cho các nội dung của hợp đồng và giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng.

– Hợp đồng thương mại sẽ được điều chỉnh bởi Luật Thương mại 2005. Điều này được quy định tại Điều 2 Luật Thương mại 2005 như sau:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thương nhân hoạt động thương mại theo quy định tại Điều 1 của Luật này.

2. Tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan đến thương mại.

3. Căn cứ vào những nguyên tắc của Luật này, Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng Luật này đối với cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.”

Trên cơ sở hai nội dung trên, có thể nói, chủ thể của hợp đồng thương mại có thể là cá nhân, tổ chức và tất cả các chủ thể của pháp luật dân sự, bao gồm: cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, Nhà nước…Bởi vì tất cả các chủ thể của Luật Dân sự khi tham gia ký kết một hợp đồng với một bên là Thương nhân thì khi đó họ có quyền áp dụng Luật Thương mại giải quyết (cho dù mục đích ký kết hợp đồng của họ không nhằm mục đích sinh lợi), căn cứ vào Khoản 3 Điều 1 của Luật Thương mại 2005:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

3. Hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó chọn áp dụng Luật này.”

Như vậy, hợp đồng được kí kết giữa một bên là cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hay Nhà nước ký kết với một Thương nhân sẽ trở thành hợp đồng Thương mại – nếu các chủ thể này lựa chọn Luật Thương mại để áp dụng. Khi đó, các chủ thể này đã trở thành Chủ thể của Hợp đồng thương mại.

3. Áp dụng pháp luật trong quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài

Về áp dụng pháp luật trong quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài, Điều  5 Luật Thương mại 2005 quy định:

“Điều 5. Áp dụng điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán thương mại quốc tế

1. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế hoặc có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

2. Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.”

Đối với giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế, pháp luật quốc gia có thể được áp dụng theo những điều kiện nhất định. Thông thường pháp luật quốc gia được áp dụng trong các trường hợp sau: (i) Các bên trong hợp đồng thỏa thuận lựa chọn áp dụng; (ii) Điều ước quốc tế mà các quốc gia (có các chủ thể của hợp đồng mang quốc tịch của quốc gia đó) kí kết hoặc tham gia có quy định điều khoản về luật áp dụng cho hợp đồng mua bán quốc tế là luật của một quốc gia nhất định; (iii) Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp chọn luật áp dụng (khi các bên không đạt được thỏa thuận về luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng).

Trong lĩnh vực thương mại nói chung và mua bán hàng hóa nói riêng, có rất nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương đã được thiết lập mà Việt Nam đã hoặc trong tương lai gần sẽ là thành viên.  Khi áp dụng điều ước quốc tế đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, cần phân biệt hai trường hợp: (i) Đối với những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã là thành viên, nếu điều ước có quy định khác với pháp luật quốc gia thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế; (ii) Đối với những điều ước quốc tế mà Việt Nam chưa là thành viên thì các bên trong hợp đồng mua bán có quyền thỏa thuận áp dụng nội dung không trái với những nguyện tắc cơ bản của luật Việt Nam.

Một quan hệ mua bán hàng hóa đáp ứng một trong các điều kiện sau thì được coi là mua bán hàng hóa quốc tế: (i) Ít nhất một trong các bên là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, (ii) Căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ mua bán theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài (iii) Tài sản liên quan đến quan hệ mua bán ở nước ngoài. Mua bán hàng hóa quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu.

Xuất phát từ nguyên tắc tự do thỏa thuận trong quan hệ hợp đồng, pháp luật các nước đều thừa nhận luật áp dụng cho nội dung hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trước tiên là luật do các bên tham gia quan hệ hợp đồng thỏa thuận lựa chọn và sự lựa chọn này phải đáp ứng những điều kiện do chính hệ thống pháp luật đó đặt ra.

Pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật thế giới cho phép các bên được phép thỏa thuận chọn luật điều chỉnh đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, nhưng vẫn có những hạn chế nhất định. Luật các bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được áp dụng nếu thỏa mãn các điều kiện sau:

(1) Việc chọn luật không trái với quy định của Việt Nam;

(2) Luật  được chọn không trái với pháp luật Việt Nam, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà các bên là thành viên;

(3) Việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không được trái với pháp luật Việt Nam, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam; và

(4) Việc chọn luật không nhằm lẩn tránh pháp luật.

Mọi thắc mắc quý khách hàng vui lòng liên hệ để được giải đáp chi tiết.

Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn, hỗ trợ

Hotline: 093.677.8880 gặp Mr.Hiệp hoặc 0911.173.322 gặp Ms.Thương

Email: lienhe@gmail.com

 

Đọc thêm

HN: 093.6778.880
HCM: 0911.173.322