Đề nghị báo giá: 093.6778.880 - 0911.173.322 - lienhe@luat7s.com

Các bước mở công ty tại Singapore

Việc thành lập công ty tại mỗi quốc gia trên thế giới sẽ có những khác biệt nhất định, vì vậy điều quan trọng trước tiên đối với doanh nghiệp có ý định thành lập công ty tại quốc gia nào đó là tìm hiểu những yêu cầu cũng như thủ tục kĩ càng. Thông qua bài viết dưới đây, Luật 7S sẽ cung cấp cho khách hàng thông tin khái quát và những điều doanh nghiệp cần biết khi thành lập công ty tại Singapore.

I. THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY TẠI SINGAPORE

Bước 1: Chọn loại hình doanh nghiệp

Điều đầu tiên bạn cần làm là quyết định loại hình kinh doanh phù hợp nhất với nhu cầu của bạn. Về tổng quan, các loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Singapore bao gồm:

Công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân (Pte. Ltd) là lựa chọn hàng đầu của cộng đồng các doanh nhân và nhà đầu tư. Lý do đằng sau lựa chọn này là vì mức thuế suất ưu đãi được giới hạn ở mức 17%. Hình thức kinh doanh này tồn tại dưới dạng một thực thể riêng biệt, vì vậy bạn có thể yên tâm rằng bạn và các cổ đông khác sẽ không phải chịu bất kỳ trách nhiệm cá nhân nào vượt ngoài số cổ phần sở hữu đối với các khoản nợ của công ty.

Một công ty TNHH tư nhân cũng cho phép bạn được hưởng rất nhiều ưu đãi thuế và hỗ trợ dành cho công ty địa phương.

Doanh nghiệp tư nhân (Sole proprietorship) là hình thức kinh doanh dễ thiết lập nhất, và cũng là hình thức rủi ro nhất. Lý do là vì nó chỉ có một chủ sở hữu duy nhất và chủ sở hữu sẽ chịu trách nhiệm vô hạn đối với tất cả các khoản nợ và trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp. Ngoài ra, công ty tư nhân phải chịu mức thuế thu nhập cá nhân tương đối cao, dao động từ 0% đến 22%.

Công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn (Limited Liability Partnership) được coi là một thực thể pháp lý riêng biệt và mang các đặc điểm tương tự với loại hình công ty hợp danh: doanh nghiệp bị đánh thuế theo thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp tùy thuộc vào tình trạng của các thành viên trong công ty hợp danh. Một bất lợi lớn của loại hình này nằm ở việc nó không được thụ hưởng các ưu đãi thuế cũng như nhiều chính sách hỗ trợ tại Singapore.

Trong tất cả các sự lựa chọn khả thi trên, bạn nên chọn loại hình công ty TNHH tư nhân bởi tính an toàn và các lợi thế về ưu đãi (thuế hoặc hỗ trợ tài chính) mà loại hình doanh nghiệp này có thể đem lại.

Bước 2: Chọn nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ mở công ty tại Singapore

Cơ quan quản lý doanh nghiệp và kế toán (Accounting Corporate Regulatory Authority hay gọi tắt là ACRA) là cơ quan chính phủ sẽ chịu trách nhiệm cho việc mở công ty tại Singapore. Theo ACRA quy định, với tư cách là một nhà đầu tư nước ngoài, bạn chỉ có thể thành lập công ty Singapore thông qua các nhà cung cấp dịch vụ đã được cấp phép.

Vì là người nước ngoài, bạn không sở hữu tài khoản SingPass để có thể đăng nhập vào cổng BizFile+ và đăng ký doanh nghiệp. Vì vậy mà tìm đến các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ thành lập công ty ở Singapore là phương án duy nhất. Những nhà cung cấp dịch vụ này sẽ thu thập những hồ sơ cần thiết từ bạn và đăng ký doanh nghiệp thay cho bạn.

Bước 3: Đặt tên doanh nghiệp

Sau khi chọn được loại hình doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ mong muốn, bạn cần quyết định xem tên của doanh nghiệp là gì. Đăng ký tên doanh nghiệp là một bước không thể thiếu trong quy trình thành lập doanh nghiệp tại Singapore.

Để tăng cơ hội được phê duyệt bởi ACRA, tên doanh nghiệp đề xuất của bạn nên thỏa các điều kiện sau:

  • Tên doanh nghiệp là duy nhất – nghĩa là nó không quá giống hoặc tương tự với các tên doanh nghiệp khác hoặc với các tên doanh nghiệp đang được bảo lưu;
  • Không có vấn đề liên quan đến bản quyền – tức là nó không vi phạm bất kỳ điều khoản nào liên quan đến nhãn hiệu;
  • Không bao hàm bất kỳ ý nghĩa khiếm nhã nào cho dù là ngầm ám chỉ hay không.

Thời gian để ACRA xét duyệt tên doanh nghiệp của bạn là vài ngày, nhanh nhất là vài giờ. Tuy nhiên, việc xét duyệt cũng có thể kéo dài đến vài tuần nếu tên doanh nghiệp và lĩnh vực kinh doanh của công ty cần có thêm sự đánh giá từ các cơ quan liên quan khác. Sau khi được phê duyệt, tên doanh nghiệp có thể được bảo lưu tối đa trong vòng 4 tháng.

Bước 4: Tiến hành đăng ký công ty

Sau khi ACRA đã chấp nhận tên doanh nghiệp đề xuất, bạn có thể tiếp tục quy trình thành lập công ty của mình. Việc tiếp theo bạn cần làm là cung cấp các giấy tờ cần thiết để gửi đến ACRA thông qua nhà cung cấp dịch vụ bạn đã chọn. Sau đây là một số giấy tờ bạn cần chuẩn bị:

  • Tên công ty;
  • Mô tả ngắn gọn về hoạt động kinh doanh;
  • Chi tiết về địa chỉ đã đăng ký tại Singapore của công ty;
  • Thông tin của các giám đốc, trong đó có ít nhất một người thường trú tại Singapore;
  • Thông tin của thư ký công ty (nếu có);
  • Điều lệ hoạt động công ty (MAA). Cơ quan đăng ký công ty Singapore có cung cấp tài liệu MAA tiêu chuẩn phù hợp với hầu hết các trường hợp;
  • Thông tin của các cổ đông:

Doanh nhân nước ngoài: bản sao hộ chiếu và bằng chứng địa chỉ cư trú (ở nước ngoài);

Cư dân Singapore: bản sao chứng minh nhân dân Singapore;

Cổ đông là pháp nhân: Bản sao các tài liệu đăng ký như Giấy chứng nhận thành lập và Điều lệ hoạt động công ty.

Nhờ tốc độ xử lý nhanh của cổng đăng ký điện tử BizFile+, quá trình xét duyệt hồ sơ đăng kí chỉ diễn ra trong vòng vài ngày hoặc nhanh nhất là vài giờ.

Bước 5: Nhận kết quả đăng ký doanh nghiệp tại Singapore

Sau khi xét duyệt, ACRA sẽ gửi thông báo kết quả đến email của bạn. Nếu công ty được đăng ký thành công, email này sẽ đóng vai trò là là sự xác minh thay cho một văn bản chính thức công nhận doanh nghiệp của bạn được phép kinh doanh tại Singapore và đính kèm trong đó là mã số công ty (Unique Entity Number – UEN).

Ngoài ra, email còn đính kèm thêm một bộ hồ sơ điện tử của công ty mà bạn có thể tải về thông qua một đường dẫn URL. Bản hồ sơ điện tử này sẽ ghi nhận những thông tin quan trọng của công ty bạn.

II. THỦ TỤC SAU KHI THÀNH LẬP CÔNG TY

1. Mở tài khoản ngân hàng

Singapore có khá nhiều ngân hàng cho bạn lựa chọn. Và hầu hết đều nổi tiếng về độ tin cậy. Các ngân hàng tại đây có các chính sách cạnh tranh khá sôi nổi dành cho khách hàng, vì vậy bạn có thể hưởng lợi từ nhiều chương trình ưu đãi của họ. Một số ngân hàng nổi bật bạn có thể tham khảo là DBS, OCBC và UOB (các ngân hàng nội địa) hoặc HSBC, Citibank và Standard Chartered nếu bạn thích các ngân hàng quốc tế.

Một điểm đáng lưu ý chính là hầu hết các ngân hàng đều yêu cầu doanh nghiệp phải đến gặp mặt trực tiếp để mở tài khoản ngân hàng tại Singapore. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhiều ngân hàng tại Quốc đảo Sư tử đã cung cấp dịch vụ lập tài khoản ngân hàng trực tuyến, nghĩa là bạn không cần phải đến gặp mặt trực tiếp tại các ngân hàng nữa.

2. Đăng ký tài khoản CorpPass

CorpPass là tài khoản nhận diện dành riêng cho mỗi thực thể doanh nghiệp (công ty) tại Singapore. Từ tháng 9 năm 2018, CorpPass chính thức trở thành phương thức đăng nhập duy nhất để các công ty có thể làm việc và giao dịch với các cơ quan chính phủ Singapore.

Ví dụ bạn muốn khai báo thuế doanh nghiệp hàng năm với Cơ quan thuế, bạn cần đăng nhập bằng tài khoản CorpPass của công ty để tiến hành khai báo. Nếu bạn cần xin giấy phép kinh doanh con/phụ, bạn cũng cần đăng nhập bằng tài khoản này. Tương tự với các trường hợp nộp đơn cho các chương trình hỗ trợ của các cơ quan chính phủ khác nhau.

Việc đăng ký tài khoản này có thể được thực hiện bởi giám đốc hoặc thư ký công ty.

3. Đăng ký địa chỉ cho công ty

Để giữ liên lạc với các cơ quan thẩm quyền liên quan, bạn phải đăng ký một địa chỉ cho công ty bạn. Địa chỉ này đơn giản là nơi để gửi nhận thư cũng như các thông báo liên quan đến công việc kinh doanh của công ty bạn.

Địa chỉ đăng kí phải được đặt tại Singapore và phải cho phép hoạt động ít nhất là trong giờ làm việc.

Ngoài ra, bạn phải báo cáo cho ACRA nếu có bất kỳ thay đổi nào liên quan đến địa chỉ đăng ký trong vòng 14 ngày kể từ ngày thay đổi.

Đối với những công ty không đủ điều kiện sở hữu không gian làm việc riêng, họ được phép thuê một văn phòng thông thường hoặc thiết lập một văn phòng ảo tại Singapore.

4. Bổ nhiệm nhân sự

Thứ nhất, bổ nhiệm thư ký công ty

Thư ký công ty là một điều bắt buộc và bạn phải bổ nhiệm thư ký công ty trong vòng 6 tháng sau ngày thành lập.

Người này sẽ đảm nhận một số trách nhiệm riêng, cụ thể là đảm bảo tuân thủ quy định và tạo điều kiện kết nối giữa công ty và các cơ quan thẩm quyền.

Những trách nhiệm này đòi hỏi thư ký công ty phải có chuyên môn và kinh nghiệm sâu rộng. Vì lý do này, thư ký nên có trình độ đủ tốt để đảm nhận các công việc. Bạn cũng nên lưu ý là mọi thay đổi về tình trạng của vị trí này phải được cập nhật càng sớm càng tốt.

Thứ hai, bổ nhiệm kiểm toán viên

Thời hạn quy định mà bạn phải chỉ định một kiểm toán viên phù hợp là 3 tháng kể từ khi thành lập công ty. Kiểm toán viên có nhiệm vụ đảm bảo rằng kiểm toán tuân thủ với các tiêu chuẩn kế toán. Nhưng nếu bạn được miễn yêu cầu kiểm toán, thì cũng không cần bổ nhiệm kiểm toán viên.

Công ty sẽ được hưởng miễn yêu cầu kiểm toán nếu được xem là một “công ty nhỏ”. Sẽ có 3 điều kiện công ty bạn cần thỏa mãn:

  • Doanh thu hàng năm của công ty vào cuối năm trước không được vượt quá 10 triệu đô la Singapore;
  • Tổng tài sản của công ty bạn vào cuối năm trước không được vượt quá 10 triệu đô la Singapore;
  • Tổng số nhân viên toàn thời gian của công ty không quá 50 người.

5. Công bố số đăng ký công ty

Ngay sau khi ACRA chính thức đưa ra quyết định thành lập công ty của bạn, họ sẽ gửi email cho bạn để xác nhận, trong đó có cả số đăng ký công ty.

Số này là riêng biệt cho mỗi công ty và phải được công bố trên tất cả các tài liệu bạn nắm giữ hoặc lưu hành cho các bên khác.

6. Thực hiện xin giấy phép kinh doanh con

Một số lĩnh vực kinh doanh sẽ yêu cầu bạn có giấy phép kinh doanh trước khi doanh nghiệp được phép bắt đầu hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đó. Hãy lưu ý là công ty bạn phải tuân theo yêu cầu này nếu hoạt động kinh doanh của công ty bạn thuộc các lĩnh vực yêu cầu  có giấy phép kinh doanh. Chẳng hạn như một số lĩnh vực sau:

  • Nhà hàng;
  • Học viện giáo dục;
  • Công ty du lịch;
  • Các dịch vụ tài chính;
  • Xuất nhập khẩu hàng hóa;
  • Công ty tuyển dụng.

Bên trên chỉ là một số ví dụ phổ biến. Việc xin giấy phép kinh doanh tại Singapore sẽ được thực hiện thông qua cổng GoBusiness Licensing của chính phủ.

7. Đăng ký thuế hàng hóa và dịch vụ (GST)

GST đơn giản là thuế gián tiếp được tính khi khách hàng mua sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty bạn. Theo quy định, các công ty có mức thu nhập thường niên quá 1 triệu đô sẽ bắt buộc phải đăng ký thuế GST với chính phủ. Việc đăng ký GST sẽ cho phép công ty của bạn được phép khấu trừ thuế đầu vào đã trả, từ đó giảm bớt các gánh nặng về chi phí kinh doanh, đẩy gánh nặng thuế về phía người dùng cuối.

Nếu bạn ước tính rằng doanh thu chịu thuế của công ty trong 12 tháng tới sẽ vượt quá 1 triệu đô la Singapore, bạn có thể đăng ký hình thức thuế này. Khi đăng ký GST, bạn có trách nhiệm nộp tờ khai thuế GST và thanh toán trong một tháng cứ sau mỗi cuối kỳ kế toán của bạn (hàng tháng hoặc hàng quý). Tỷ lệ GST hiện tại không đổi là ở mức 7%.

8. Đăng ký Quỹ phòng xa trung ương (CPF)

Giống các loại bảo hiểm xã hội ở Việt Nam, quỹ phòng xa trung ương là một chương trình nhằm khuyến khích nhân viên tiết kiệm cho các nhu cầu trong tương lai của họ, bao gồm cả nghỉ hưu, chăm sóc sức khỏe và nhà ở. Theo Ủy ban Quỹ phòng xa trung ương – bộ phận chịu trách nhiệm về quy định và thực hiện CPF – kế hoạch tiết kiệm CPF tại Singapore là một nghĩa vụ bắt buộc.

Và tất cả công dân địa phương hoặc thường trú nhân đang làm việc với mức lương hơn 50 đô la Singapore một tháng phải đăng ký thực hiện. Số còn lại – tức là nhân viên nước ngoài sẽ được miễn nghĩa vụ này.

Khi bạn đã hoàn thành đăng ký CPF, bạn và nhân viên của bạn sẽ phải chịu tỷ lệ đóng góp lần lượt là 17% và 20%. Các mức này sẽ thay đổi nếu nhân viên của công ty trên 55 tuổi.

Trên đây là những trình tự, thủ tục cần làm khi khách hàng muốn mở công ty tại Singapore.

Cảm ơn quý khách đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Nếu có nội dung nào không rõ cần trao đổi, vui lòng liên hệ lại với chúng tôi.

Đọc thêm

HN: 093.6778.880
HCM: 0911.173.322